'Những hôm mưa gió, chúng em mặc áo mưa, đứa chèo, đứa tát nước cho thuyền khỏi chìm', cậu bé Lê Viết Văn chia sẻ. Mới học lớp 7, Văn đã có kinh nghiệm 5 năm đưa các bạn qua đoạn đường dài 3 km.
Vừa tan trường, hàng chục học sinh xã vùng cao Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa) ùa ra bến đò ven hồ Sông Mực. Ở đó, 4 chiếc thuyền nan neo đậu sẵn sàng đưa những học trò vượt hồ rộng mênh mông về nhà. Gọi là bến đò, nhưng không có người đưa sang mà các em phải tự chèo. Những chiếc thuyền mỏng, đan từ nan tre mà người dân dùng đánh cá, giờ trở thành phương tiện để nhiều học sinh nơi đây đi tìm con chữ.

Cậu học trò Lê Viết Văn học lớp 7 tự tin chèo thuyền cùng các bạn tới lớp.
Xắn quần cao quá đầu gối cho khỏi ướt, cậu học trò Lê Viết Văn lội xuống nước rồi neo chiếc thuyền nan lại gần bờ để các bạn lần lượt bước lên. Con thuyền chòng chành, lắc lư một lúc, đến khi các em ngồi yên mới hết chao đảo. Văn ngồi đầu mũi thuyền với chiếc mái chèo dài quá đầu người trên tay. Chiếc thuyền nhỏ lướt trên mặt hồ có chỗ sâu cả chục mét. Ngồi trên thuyền, các em kể cho nhau nghe chuyện trường lớp và cười đùa râm ran. Thi thoảng còn có em nghịch, khỏa nước mạn thuyền chơi.
Cậu học trò lớp 7, người mảnh khảnh, được bạn bè goi là "rái cá hồ Sông Mực" bởi Văn bơi lội cừ khôi và biết chèo thuyền đi học từ năm lớp 3. Nhà em ở thôn Lùm Lau (làng Lúng), như một ốc đảo nổi lên giữa sông nước. Không có đường đi, hơn chục học sinh cấp một, cấp hai trong thôn đều phải đi thuyền nan mới đến được trường.