Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn "nếu có quy định mới và có mức thu bằng 0 thì tôi nghĩ nhất định HĐND TP sẽ quyết định mức thu bằng 0".
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GTVT, trong 27 tỉnh đã có ý kiến, 25 tỉnh đồng ý tiếp tục thu phí đường bộ với xe máy nhưng đề nghị có chế tài xử phạt. Bộ đang tiếp tục lấy ý kiến của các tỉnh, TP để tập hợp, báo cáo Chính phủ quyết định có tiếp tục thu hay không loại phí này.
Vì sao viện phí, học phí sang cơ chế giá?
Một trong những nguyên nhân đưa đến nguy cơ phí chồng phí trong Dự án Luật chính là do chưa làm rõ được khái niệm phí, lệ phí để tránh sự chồng chéo. ĐB Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên - Huế) phân tích: "Chúng ta còn lúng túng trong việc định nghĩa khái niệm về lệ phí nên dẫn đến trong thực tế quy định rất nhiều cái chồng lên nhau. Cụ thể như khái niệm về phí, lệ phí, dịch vụ công, giá dịch vụ dẫn đến chưa rõ ràng trong phân loại giữa phí và lệ phí, giữa phí, lệ phí và giá dịch vụ… Đây là những vấn đề mà Ban soạn thảo cần tiếp tục làm rõ hơn để hoàn thiện Dự án Luật”, đồng thời góp ý, học phí, viện phí có nên chuyển sang cơ chế giá?
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, Dự thảo Luật không điều chỉnh một số khoản phí như học phí với lý do đã được quy định ở luật khác và trả theo cơ chế giá dịch vụ của thị trường là không phù hợp. ĐB Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) phát biểu, hiện nay có tới 15.000 giá dịch vụ y tế, do đó Dự thảo cần ban hành nhóm lại chỉ nên từ 300 - 400 danh mục, trong đó nêu rõ Nhà nước bao cấp cái gì: "Nếu dự thảo quy định viện phí theo cơ chế giá thì cần có chương riêng quy định mức thu, mức đóng cụ thể vì hiện nay vấn đề này tại mỗi bệnh viện rất phức tạp, có bệnh viện thu chung nhưng có bệnh viện khoán cho từng khoa. Do đó, nếu chúng ta quyết tâm thay đổi việc này thì cần ban hành riêng một chương, trong đó quy định cụ thể từng mức thu, khi yêu cầu thực tế cần phải thay đổi các mức này, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành mức thu mới".
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình khi chuyển viện phí, học phí sang cơ chế giá để viện phí, học phí không trở thành gánh nặng cho người dân, đảm bảo mọi trẻ em được đến trường.
Dự kiến, tại kỳ họp cuối năm nay, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét Dự án Luật phí, lệ phí.
Cũng trong sáng qua, với đa số ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2016. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 11 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2016, Quốc hội sẽ không chất vấn các thành viên Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và việc giải quyết các kiến nghị của cử tri như mọi kỳ họp khác. Thay vào đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và Tổng Kiểm toán Nhà nước. |