Xóa điểm đen tai nạn từ việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 12 điểm đen và 113 điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa xác định, để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn, ngoài tăng cường tuần tra kiểm soát (TTKS) xử lý vi phạm thì việc xóa bỏ các điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) là giải pháp quan trọng.
Nguy cơ từ điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn
Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hoá, hiện nay trên địa bàn có 12 điểm đen và 113 điểm tiềm ẩn TNGT. Phần lớn các điểm đen đều hình thành tại vị trí các điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Nhiều điểm đen xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư… nơi có mật độ người tham gia giao thông cao, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có biển cảnh báo nguy hiểm.
Đơn cử như ghi nhận thực tế cho thấy, tại khu vực ngã tư giao nhau giữa đường tỉnh 506B với QL47B thuộc địa bàn xã Xuân Lai là một trong số các điểm đen, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.
Vào các khung giờ cao điểm như giờ công nhân đi làm, tan ca, giờ học sinh đến trường, tan trường… mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao đột biến.
Chị Hoàng Thị Thêm, người dân xã Xuân Lai cho biết: “Hằng ngày, tôi thấy giờ tan ca, học sinh tan trường về cùng một thời điểm nên thường hay xảy ra va chạm giao thông.
Bên cạnh đó, tình trạng xe tải, xe ben phóng nhanh vượt ẩu xử lý không kịp khi bất ngờ gặp xe máy đi tốc độ cao. Rất mong các cơ quan chức năng bố trí hệ thống đèn tín hiệu tại khu vực này để giảm nguy cơ tai nạn”.
Theo thống kê của Công an huyện Thọ Xuân, từ năm 2022 đến nay, tại đây đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông làm 8 người bị thương.
Tương tự, QL47 và đường Hồ Chí Minh là hai tuyến giao thông trọng điểm, luôn có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cao, nhất là xe tải. Trên hai tuyến này hiện vẫn còn tồn tại 3 điểm đen TNGT và 27 điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Trong đó, điểm đen tại Km 05+300 – Km 05+700 thuộc địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân được mệnh danh là điểm giao cắt 4 không: Không biển cảnh báo, không biển hạn chế tốc độ, không hệ thống đèn chiếu sáng và không ngày nào là không xảy ra tai nạn hay va chạm giao thông.
Trung tá Trần Văn Cường, Tổ trưởng tổ TTKS tuyến QL47, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi xác định tại Km 05+300 – Km 05+700 luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, là điểm đen TNGT.
Qua thống kê, theo dõi trong 2 năm vừa qua liên tục xảy ra các vụ va chạm, TNGT, chủ yếu xảy ra lúc giờ tan tầm khi người và phương tiện tham gia giao thông đông.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 573 vụ TNGT, làm chết 242 người và bị thương 574 người. Trong đó, các vụ TNGT xảy ra tại các điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT chiếm gần 20% số vụ, số người chết và bị thương.
Tuyên truyền là giải pháp nòng cốt
Trung tá Trần Văn Cường cho biết, thời gian qua, bên cạnh TTKS xử lý vi phạm, lãnh đạo đơn vị luôn quán triệt cán bộ chiến sĩ trong các ca tuần tra cần kết hợp tuyên truyền nhắc nhở trực tiếp cho người tham gia giao thông biết những đoạn đường thường xảy ra TNGT.
“Những khi thời tiết mưa gió, mặt đường trơn trượt, đơn vị đã cắt cử cán bộ sử dụng xe loa tuyên truyền lưu động cảnh báo cho người tham gia giao thông những vị trí điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 573 vụ TNGT, làm chết 242 người và bị thương 574 người. Trong đó, các vụ TNGT xảy ra tại các điểm đen và điểm tiềm ẩn TNGT chiếm gần 20% số vụ, số người chết và bị thương. |
Đồng thời, phát những thông tin nội dung ngắn gọn để lái xe biết và đảm bảo an toàn trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt”, trung tá Cường cho hay.
Trước thực trạng TNGT trên địa bàn trong thời gian qua, Trung tá Trịnh Xuân Tùng, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lực lượng CSGT thường xuyên ra soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Trên cơ sở đó, thống kê và báo cáo Công an tỉnh để có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban ATGT xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp sớm khắc phục, xử lý.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, để xử lý một điểm đen không thể thực hiện “một sớm, một chiều” mà còn phải chờ các ngành chức năng kiểm tra thực tế, đánh giá rồi sau đó mới có phương án bố trí nguồn kinh phí xử lý.
Trung tá Tùng cho rằng: Nhiệm vụ của tuyên truyền không chỉ phổ biến trực quan về luật, về tình hình TNGT mà cần đi sâu vào việc cảnh báo nguy cơ của các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
“Có thể thông qua hệ thống loa truyền thanh kết nối từ cấp thôn, xã, phường để tuyên truyền.
Ví dụ ở địa phương này có điểm tiềm ẩn TNGT thì tuyên truyền, nhắc nhở người dân biết. Chứ nếu chờ thống kê, rà soát rồi thực hiện đủ các bước thì thời gian không biết đến khi nào.
Thời gian tới, lực lượng CSGT tỉnh sẽ tập trung nội dung này và xác định tuyên truyền là nòng cốt trong việc xóa bỏ điểm đen, kéo giảm TNGT.
Chung quan điểm trên, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để xóa các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, trước hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có những giải pháp tháo gỡ các tồn tại, bất cập trong hệ thống tổ chức giao thông đường bộ.
“Thanh Hóa có hàng trăm điểm đen và tiềm ẩn TNGT nên không thể xử lý, khắc phục đồng loạt, xử lý điểm này có khi lại phát sinh điểm khác.
Chính vì vậy, các ngành GTVT, Công an phải rà soát thường xuyên, tập trung xử lý nhanh các điểm nóng. Tuyến đường của địa phương thì địa phương xử lý, tuyến nào thuộc Bộ GTVT quản lý thì có văn bản đề nghị.
Để khắc phục tình trạng mất ATGT tại trên các tuyến do điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cần chú trọng công tác tuyên truyền. Đây được xem là hành động thiết thực nhất trong các giải pháp kiềm chế TNGT”, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Phúc Tuấn