Cách nào ngăn tai nạn khi ô tô đổ đèo?

Theo các chuyên gia, đa số các vụ tai nạn xảy ra khi đổ đèo mà tài xế cho rằng xe bị mất phanh là do sử dụng phanh sai quy trình dẫn đến phanh mất tác dụng tạm thời.

Liên tiếp tai nạn xe khách, xe tải khi đổ đèo

Khoảng 12h30 ngày 16/9, tại km 21, đường ĐT714 đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, xe đầu kéo BKS 18H-021.30 do lái xe Trần Văn Thoại (SN 1979, ngụ Đồng Nai) điều khiển, khi đổ dốc ở khúc đường cong, bất ngờ lao qua lề đường ngược lại, đâm gãy hộ lan đường, lật nghiêng. Lái xe bị mắc kẹt và tử vong trong cabin.

Trước đó, khoảng 13h30 ngày 11/9, tại huyện Tam Đường (Lai Châu), xe ô tô đầu kéo BKS 36C-295.54 kéo theo rơ moóc BKS 36R-020.62, trên xe chở đá ốp lát di chuyển trên đèo Hoàng Liên Sơn (Quốc lộ 4D) trong lúc xuống dốc với nhiều khúc cua liên tục đã mất phanh, lao vào taluy dương khiến hai người trên xe bắn ra ngoài và tử vong.

Hiện trường xe đầu kéo lật nghiêng khi đổ đèo ở Bình Thuận khiến tài xế tử vong ngày 16/9/2023

Tại Thừa Thiên – Huế, chiều 25/7 cũng xảy ra vụ TNGT khi xe khách BKS 47F-000.88 lưu thông trên tuyến La Sơn – Túy Loan theo hướng Bắc – Nam, đến đoạn qua xã Hương Phú bất ngờ lật nghiêng vào vách núi khiến nhiều hành khách trên xe hoảng hốt.

Vụ tai nạn còn khiến một người tử vong và ba người khác bị thương được đưa vào bệnh viện. Bước đầu cơ quan chức năng xác định do lái xe không làm chủ tốc độ, không làm chủ tay lái.

Đây chỉ là ba trong số rất nhiều vụ tai nạn xe ô tô xảy ra trong lúc đổ đèo, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải cảnh báo về kỹ năng đổ đèo cho tài xế để đảm bảo an toàn.

Xe đổ đèo, tài xế cần làm gì để an toàn?

Ở góc độ kỹ thuật phương tiện, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Hà Nội cho biết, qua theo dõi, đa số các vụ TNGT khi xe khách, xe tải đổ đèo đều ở vị trí cuối đèo, dốc thấp, rất hiếm trường hợp tai nạn lúc lên dốc.

Đa số tài xế khai do xe mất phanh nhưng hầu hết các phương tiện này sau tai nạn được đưa đến các trung tâm đăng kiểm kiểm tra hệ thống phanh đều đạt.

Lý giải về điều này, vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm cho biết, khi xe lên dốc, tài xế thường đi số thấp, không rà phanh, để động cơ hoạt động hết công suất. Khi xuống dốc, theo quán tính xe sẽ lao nhanh hơn, đặc biệt với các xe khách, xe tải, xe container do tải trọng lớn, do đó, để làm chủ được tốc độ, làm chủ tay lái, dễ dàng xử lý tình huống trên đường, tài xế cần tuân thủ nguyên tắc “lên số nào, xuống số đó”, tức phải giữ nguyên số thấp khi xuống dốc.

Tuy nhiên, vì xe di chuyển ì ạch, không ít tài xế “sốt ruột” đã chuyển sang số 3 để di chuyển cho nhanh hơn, dẫn đến liên tục phải “đệm” phanh, rà phanh để đảm bảo tốc độ xe mỗi khi vào cua hoặc gặp tình huống phát sinh trên đường.

“Xe khách, xe tải chủ yếu sử dụng loại phanh tang trống ở phía sau, khó tản nhiệt khiến má phanh dễ bị nóng, khi nóng vượt quá giới hạn nhiệt sẽ làm mất lực ma sát, khiến phanh mất tác dụng. Lúc này, tài xế có đạp phanh cũng như không nên thường khai do xe mất phanh. Nhưng chỉ dừng xe một lúc, má phanh nguội, chức năng phanh sẽ trở lại bình thường”, vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nói và cho biết: Nguyên nhân các vụ TNGT do xe đổ đèo mà tài xế khai mất phanh chủ yếu là do sử dụng phanh sai quy trình, không đúng cách.

Đồng quan điểm, trung tá Đỗ Tú Anh, nguyên Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, kỹ năng thao tác khi điều khiển phương tiện tại những địa hình phức tạp, đèo dốc là điều các doanh nghiệp vận tải thường xuyên phải tập huấn, quán triệt cho tài xế.

“Khi di chuyển trên đường đèo dốc, nếu tài xế chủ quan cho rằng dốc ngắn, thấp, vẫn đi số cao và phải sử dụng phanh nhiều, có thể gây ra tình trạng mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh và dẫn đến tai nạn”, trung tá Tú Anh nói và lưu ý không loại trừ khả năng một số vụ TNGT còn do quá trình điều khiển phương tiện tài xế không quen đường và gặp khó khăn trong xử lý các tình huống gặp phải trên các cung đường đèo dốc.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại du lịch và Vận chuyển khách Tình Nghĩa, đơn vị chuyên vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng cho biết, TNGT là rủi ro mà không doanh nghiệp vận tải nào mong muốn, vừa gây thiệt hại về người, kinh tế vừa làm mất uy tín, thương hiệu của công ty.

“Các doanh nghiệp vận tải cần bố trí lái xe phù hợp, các lái xe có kinh nghiệm cần được đưa vào hoạt động trên các tuyến đường khó, đèo dốc; hạn chế việc sắp xếp lái xe phải làm việc liên tục với quãng nghỉ ngắn, thông tin về thời gian làm việc của lái xe cần phải được theo dõi, thống kê sát sao, để đảm bảo an toàn cho tài xế, người tham gia giao thông khác, ngăn TNGT giảm thiệt hại kinh tế cho chính doanh nghiệp”chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ ý kiến.

Vì thế, việc doanh nghiệp vận tải sâu sát, nắm được những thế mạnh của từng tài xế và bố trí hợp lý là điều rất quan trọng.

Trong khi đó, tài xế Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Cổ phầnThương mại và Ddu lịch Ân Vân, Sơn La) – một trong 50 tài xế được trao giải Vô lăng Vàng năm 2022, thường xuyên chở khách du lịch khu vực miền núi phía Bắc, cũng nhận định, đa số các vụ TNGT xảy ra trên đường đèo núi do tài xế non kinh nghiệm khi di chuyển trên các cung đường này.

“Khi đi đường đèo, trời mưa dễ trơn trượt, phanh gấp có thể khiến xe bị trượt, lật do đó, các lái xe cần tuân thủ nguyên tắc lên số nào, xuống số đó. Khi trời mưa, sương mù, tầm nhìn hạn chế phải bật đèn tín hiệu cảnh báo cho các xe khác biết để tránh. Đặc biệt phải tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường, tránh vượt ẩu nguy hiểm”, tài xế Tuấn nói.

Bên cạnh đó, các tài xế cũng cần ghi nhớ nguyên tắc: Luôn đi đúng phần đường của mình, không lấn làn đường, không bám theo xe đang vượt phía trước vì nếu vượt không an toàn, gặp xe hướng ngược lại sẽ rất khó tránh do tốc độ hai bên cũng như điều kiện địa hình nhỏ hẹp.

Cùng đó, tuyệt đối không vượt ở khúc cua, khuất tầm nhìn; chạy đúng tốc độ cho phép; trường hợp gặp xe ngược chiều lấn làn, chạy tốc độ cao sang làn đường của mình khi vào cua, lái xe cần giảm tốc độ, cố gắng cho xe bám theo vạch giới hạn hoặc bám sát cọc tiêu bên làn của mình để tránh.

Yến Chi

Tin tức

Tin tức

Bảo vệ trẻ khi ngồi trên ô tô

Từ 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi ngồi trên xe ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị đang được Bộ GTVT khẩn trương xây dựng. Giảm thiểu tai nạn cho trẻ Tháng 2/2024, vụ TNGT liên hoàn trên cao tốc Cam …

Đề xuất nâng mức phạt hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái

Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền lên 2-3 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mà giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Bộ Công an vừa có dự thảo mới nhất quy định xử phạt vi phạm hành …

Quảng Ngãi tìm giải pháp giảm thiểu TNGT ở các nút giao không có đèn tín hiệu

Nhiều vụ TNGT đường bộ liên quan đến xe máy và ô tô ở nút giao đồng mức tại Quảng Ngãi dẫn đến chết người, thương tích, thiệt hại về tài sản và lo lắng cho người dân. Vì sao lại xảy ra xung đột, tai nạn giao thông ở các nút giao không có …

CSGT toàn quốc ra quân xử lý học sinh vi phạm từ ngày 1/10

Lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý học sinh, phụ huynh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện. Ngày 27/9, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, thời gian qua tình trạng học sinh vi phạm pháp luật …

Kỹ năng vào vòng xuyến tránh xảy ra tai nạn dành cho người đi xe máy

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tuyến tỉnh lộ ở Quảng Ngãi thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô …