Cần biện pháp mạnh ngăn học sinh Hà Nội vi phạm giao thông
Khảo sát tại nhiều cổng trường ở Hà Nội, phóng viên ghi nhận không ít học sinh đi xe máy đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, thậm chí chưa đủ tuổi nhưng đi xe máy trên 50 phân khối.
Vô tư vi phạm
Trưa 27/11, trên đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm), PV liên tục chứng kiến từng tốp học sinh di chuyển bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) và đi hàng hai, hàng ba. Trong khi trên đường có nhiều loại phương tiện khác cùng chiều đi với tốc độ cao như xe khách, xe buýt, ô tô.
Thời điểm 11h15, chiếc xe máy điện BKS 29-AB 861.81 do học sinh mặc áo đồng phục Trường THPT Trung Văn chở theo một học sinh khác đều không MBH lao đi vun vút, thậm chí ngoái sang nói chuyện với bạn đi bên cạnh. Tiếp sau đó, liên tục có thêm 5, 6 tốp học sinh di chuyển hướng đi Lê Văn Lương, trong số này có đến 3-4 trường hợp không đội MBH.
Phải tạt vào mép đường để nhường những nhóm học sinh trên, chị Nguyễn Thị Phương (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) cho biết: “Các cháu còn nhỏ, phóng cứ vèo vèo, rất nguy hiểm. Không chỉ các học sinh vi phạm trật tự giao thông, nhiều bậc phụ huynh đưa đón con em đi học cũng quên luôn việc đội MBH cho con và chính mình”.
Tương tự, trên trục đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), Láng Hạ… PV cũng chứng kiến nhiều trường hợp học sinh tham gia giao thông không đội MBH theo quy định.
Đội CSGT số 6, Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội thông tin, trong đầu tháng 11 đơn vị này đã triển khai lập chốt kiểm tra, kiểm soát trên tuyến đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), xử lý nhiều trường hợp không đội MBH điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Phần lớn trường hợp vi phạm đều là sinh viên, học sinh.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, chỉ trong 10 tháng năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 64.000 trường hợp học sinh vi phạm trật tự ATGT. Trong đó, các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; không đội mũ bảo hiểm; không có giấy phép lái xe.
Xử phạt phải thông báo về trường
Trung tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông cho các em học sinh là rất quan trọng. Lứa tuổi này cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, giúp các em hình thành ý thức, thói quen tham gia giao thông an toàn.
“Từ đầu năm học 2023-2024, đơn vị đã chủ động phối hợp cùng phòng giáo dục và đào tạo 30 quận, huyện, thị xã, tổ chức tuyên truyền về Lật Giao thông đường bộ vào giờ ngoại khóa đầu tuần. Các tiết học ngoại khóa thu hút hàng nghìn học sinh tham gia.
Vào những tháng cuối năm, lực lượng CSGT Thủ đô tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT đến đối tượng là học sinh”, trung tá Long cho hay.
Theo luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Cầu Giấy), quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức từ chính phụ huynh và các em học sinh. Nếu phụ huynh không giao xe có dung tích xi-lanh vượt quá quy định cho con em mình, không cho con điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và giám sát việc con đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… chắc chắn những vi phạm nêu trên sẽ giảm đáng kể.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm chia sẻ, ngay từ đầu năm học mới, Phòng đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức về trật tự ATGT tới toàn thể giáo viên, học sinh.
Cuối tháng 9 vừa qua, tại Trường Tiểu học Phú Đô, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức lễ công bố Chương trình trao tặng 2 triệu mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên toàn quốc. Việc trao tặng mũ bảo hiểm đã góp phần giáo dục, tuyên truyền, lan tỏa ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho học sinh, phụ huynh và cho cả cộng đồng.
Trong khi đó, ông Tạ Đức Giang, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT Hà Nội bày tỏ mong muốn, thời gian tới, lực lượng CSGT, Công an TP Hà Nội sẽ liên tục tăng cường kiểm tra, xử lý và nhắc nhở tới phụ huynh, học sinh về việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông.
“Việc làm này không chỉ nhằm mục tiêu kéo giảm nguy cơ TNGT, mà còn góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các học sinh, sinh viên vi phạm, CSGT cần gửi thông báo về nhà trường để có hình thức giáo dục, kỷ luật”, ông Giang nói.
Theo Nghị định số 100/2019, người được chở trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội MBH, có đội nhưng không cài quai đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 200.000-300.000 đồng. |
Lê Tươi