“Giảm tốc độ – Trường học an toàn”: Thông điệp bảo vệ trẻ em trước tình trạng TNGT ngày một tăng
Sau 5 năm triển khai, dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” đã trở thành thông điệp bảo vệ trẻ em toàn cầu trước tình trạng TNGT ngày một gia tăng.
“Lá chắn” an toàn cho học sinh
Từ tháng 4/2018 đến tháng 10/2023 tại 32 trường tiểu học, trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông trên địa bàn Gia Lai đã đồng loạt triển khai dự án cải thiện cơ sở hạ tầng; ban hành quy định giảm tốc độ và mô hình “khu vực trường học an toàn”, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về ATGT…
Theo đó, nhà trường sơn vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, làm rào chắn ngăn không cho xe đậu đỗ trên vỉa hè; tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh nhận thức được vai trò của công tác bảo đảm ATGT trong khu vực trường học.
Cùng với đó, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quy định “giảm tốc độ khu vực trường học” và cách trường học 300 m từ 60 km/giờ xuống 30 km/giờ trong khung giờ học sinh đến trường và tan trường.
Đáng chú ý, dự án tăng cường tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm tốc độ; xây dựng và triển khai giảng dạy thí điểm giáo trình điện tử ATGT dành cho cấp tiểu học.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho giáo viên sử dụng tài liệu điện tử ATGT nhằm thúc đẩy phương thức tham gia giao thông tích cực thông qua chiến dịch đi xe đạp đến trường cho học sinh trung học phổ thông ở TP Pleiku.
Nhiều năm trước, tại cổng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) trên đường Nguyễn Văn Cừ là một trong những điểm nóng về trật tự giao thông.
Thế nhưng, từ khi hạ tầng giao thông trước cổng trường được cải tạo bài bản, các biển báo giảm tốc độ được lắp đặt hợp lý, ý thức của học sinh cũng như phụ huynh được nâng lên thì trật tự ATGT khu vực cổng trường từng bước ổn định.
Thầy Trương Tiến Sỹ, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: “Ngoài việc nâng cấp, cải thiện hạ tầng quanh khu vực trường học thì quy định giảm tốc độ quanh khu vực cổng trường chính là giải pháp cải thiện điều kiện ATGT tích cực nhất”.
Còn thầy Lê Văn Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cũng cho biết thêm: “Qua việc triển khai thực hiện các quy định về ATGT khu vực trường học, thời gian qua, cổng trường luôn an toàn, không có vụ TNGT nào xảy ra”.
Thông điệp bảo vệ trẻ em toàn cầu
Ông Đặng Toàn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Pleiku cho biết, có tới 71% số trường học tại thành phố được chứng nhận 5 sao theo công cụ “Đánh giá xếp hạng sao” trường học do chương trình đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP) phát triển.
Dự án đã góp phần giảm thiểu rủi ro do TNGT cho học sinh, đặc biệt tạo chuyển biến nhận thức của người dân, phụ huynh, học sinh và cộng đồng để thay đổi hành vi góp phần giảm thương tích cho đối tượng học sinh.
Còn ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó ban thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, từ kết quả của dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn”, tỉnh đã ban hành văn bản quy định tốc độ khi đi qua khu vực trường học là 30km/h đối với đường trong thành phố và 40km/h đối với đường quốc lộ.
Đồng thời chỉ đạo TP Pleiku phân bổ nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho cải tạo đường trong khu vực trường học. Đây là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng khu vực trường học an toàn, tạo tiền đề để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu cho khu vực trường học an toàn trên toàn quốc.
Ông Đoàn Hữu Dũng cũng cho biết, từ kết quả tích cực trên, tỉnh Gia Lai nhân rộng mô hình trường học an toàn. Hiện đã lên kế hoạch cải tạo 56 trường học trên các tuyến tỉnh lộ và hoàn thành cải tạo khu vực trường học của 12 trường.
Còn ông Kim Beng Lua, cán bộ cấp cao của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu cho biết, Dự án “Giảm tốc độ – Trường học an toàn” đạt được sự công nhận toàn cầu khi giải quyết các thách thức về ATGT đường bộ tại TP Pleiku.
Qua đó thúc đẩy các biện pháp can thiệp thực tế, sáng tạo dựa trên các bằng chứng thông qua cải tạo an toàn khu vực trường học, khuyến khích giao thông bền vững và ủng hộ sự đóng góp đầy ý nghĩa của thanh thiếu niên.
“Giảm tốc độ, đến trường an toàn” là một trong 3 dự án ATGT cho học sinh của Quỹ Botnar tại Việt Nam. Ngoài TP Pleiku, dự án còn được thực hiện tại TP Thái Nguyên và Mỹ Tho, Tiền Giang.
Bà Trịnh Thu Hà, Phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn phương tiện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức người tham gia giao thông là giải pháp trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của dự án.
“Đây là dự án thiết thực và truyền tải một thông điệp ý nghĩa. Việc xây dựng môi trường an toàn quanh phạm vi trường học sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ thương vong khi TNGT xảy ra, đồng thời giúp trẻ sớm hình thành ý thức về ATGT”, bà Hà nhấn mạnh.
Tạ Vĩnh Yên