Bàn giải pháp phòng tránh sụt trượt trên đường giao thông
Theo các chuyên gia địa chất, trượt lở đất đá là một trong những loại hình thiên tai phổ biến và nguy hiểm nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Người dân các tỉnh phía Bắc đang chật vật đối phó với mưa lớn, sụt trượt đất đá nghiêm trọng sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Tính đến ngày 12/9, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bão số 3 và mưa lũ đã khiến 199 người chết, 128 người mất tích, 807 người bị thương, chủ yếu do sạt lở đất, lũ quét.
Sụt trượt đất đá và sau đó là lũ bùn đá gây ra những thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Việc tìm kiếm và áp dụng thêm các giải pháp công nghệ mới trong phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sụt trượt đất đá trên các tuyến đường giao thông vùng núi trở thành vấn đề cấp thiết.
Theo các chuyên gia địa chất, trượt lở đất đá là một trong những loại hình thiên tai phổ biến và nguy hiểm nhất, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Hiện tượng này thường xảy ra khi có sự mất ổn định của đất đá trên sườn dốc, gây tác động xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân, phá hủy các công trình dân sinh, thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, kinh tế – xã hội.
Tại các khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung – nơi có địa hình dốc, nhiều đồi núi và rừng, mùa mưa bão thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất và đá văng, đá rơi do đất đá bão hòa, ngậm nước trong thời gian dài. Các khu vực có bờ dốc càng lớn càng dễ gặp phải tình trạng sạt trượt.
Do mỗi khu vực địa lý có lượng mưa, cấu trúc địa chất, sự tích tụ nước ngầm, mức độ phong hóa hay nứt nẻ đá khác nhau… nên sạt lở đất đá là hình thái thiên tai khó dự báo và dự đoán chính xác.
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp phòng chống và phòng tránh có thể giúp giảm thiểu những thiệt hại, bảo vệ tính mạng con người và tài sản.
Giải pháp phòng chống đá lở, đá rơi trên đường giao thông
Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều giải pháp khác nhau để phòng tránh mất ổn định đất đá trên bề mặt ta luy đường đào, theo đó có hai nhóm giải pháp kết cấu cứng và mềm.
Giải pháp kết cấu cứng phổ biến phun bê tông kết hợp lưới thép và đinh neo, khung bê tông cốt thép kết hợp đinh neo, các tấm ốp bê tông đúc sẵn hay xây đá … để bảo vệ bề mặt ta luy đào. Bên cạnh những ưu điểm về giá thành, các giải pháp này cũng bộc lộ một số hạn chế như bề mặt dễ bị hư hỏng, nứt gãy sau thời gian sử dụng, ít hoặc không thân thiện với môi trường và phá vỡ cảnh quan tự nhiên.
Trong khi đó, giải pháp kết cấu mềm – sử dụng hệ lưới thép sức kháng cao kết hợp đinh neo hay hàng rào mềm đã chứng minh được hiệu quả trong việc phòng chống đá lở, đá rơi.
Giải pháp này không chỉ giải quyết được bài toán áp lực nước ngầm mà còn đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ, thân thiện môi trường và tuổi thọ cao cho công trình.
Mặc dù các giải pháp kết cấu cứng và kết cấu mềm có thể xử lý phần chân và bề mặt bờ dốc, nhưng đối với các khu vực bờ dốc cao, địa hình khó khăn, ít khả thi để thay đổi hướng tuyến đường, vấn đề sụt trượt vẫn là thách thức lớn.
Bán hầm thép lượn sóng lắp ghép phức hợp – giải pháp phòng tránh sụt trượt bờ dốc cao
Để giải quyết tình trạng sạt lở trên các đỉnh bờ dốc, giải pháp kết cấu bán hầm thép lượn sóng lắp ghép phức hợp được coi là lựa chọn mới. Phương án này đã được triển khai rộng rãi tại Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Châu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ… và chứng minh được tính khả thi trong phòng tránh sụt trượt, đảm bảo hiệu quả đầu tư, có thể phù hợp để áp dụng tại Việt Nam.
Hội thảo chuyên đề địa kỹ thuật
Với mục đích tìm kiếm giải pháp mới trong phòng tránh sụt trượt đất đá trên đường giao thông, sáng 18/9, tại Đại học Giao thông Vận tải (Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ diễn ra hội thảo chuyên đề về địa kỹ thuật với chủ đề “Phòng tránh trượt bờ dốc cao trên đường giao thông vùng núi”.
Hội thảo do bộ môn Địa kỹ thuật, Trường Đại học Giao thông Vận tải tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng; Công ty ChungAm EnC Hàn Quốc và Tập đoàn Maccaferri (Italia).
Sự kiện dự kiến thu hút khoảng 200 khách mời, bao gồm các chuyên gia và nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải một số địa phương…
Đây là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng tránh trượt bờ dốc cao tại các khu vực đường giao thông vùng núi của Việt Nam.
PV