TP.HCM: Xe đông, đường hẹp, phương tiện phải lưu thông tốc độ “rùa bò”
Mỗi ngày, hàng triệu người dân TP.HCM phải đối mặt với nỗi ám ảnh kẹt xe. Với hơn 9,4 triệu phương tiện, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại TP.HCM diễn ra ngay cả khi không phải giờ cao điểm. Kẹt xe triền miên khiến người dân ngày càng ngán ngẩm, mệt mỏi.
Quá tải xe cộ, khu Nam chỉ đạt tốc độ 25km/h
Theo ghi nhận, một số tuyến đường như Cộng Hòa, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Tất Thành… liên tục xảy ra kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên, từ năm này sang năm khác khiến người dân tại các khu vực này ngán ngẩm, chán nản. Di chuyển khó khăn, việc kinh doanh buôn bán cũng rơi vào tình trạng ế ẩm.
Bà Lan, tiểu thương buôn bán trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), chia sẻ: Ngày nào đường cũng kẹt xe vài lần, mỗi lần kéo dài vài chục phút đến cả tiếng đồng hồ. “Cảnh kẹt xe khiến ai cũng mệt mỏi, phải nhích từng chút một. Khách muốn mua hàng cũng chẳng vào được vì đường quá đông,” bà Lan bức xúc.
Trong khi đó, anh Tùng (ngụ Tân Bình) than thở, vào giờ cao điểm, đường Cộng Hòa đông nghẹt, xe máy, ô tô chen chúc nhau từng chút một. “Sáng thì trễ giờ làm, chiều thì trễ giờ đón con, kẹt xe khiến cuộc sống rối tung lên,” anh Tùng nói.
Theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, qua theo dõi 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 9/2024, TP.HCM có 6 điểm chuyển biến tốt, 10 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp, 8 điểm không chuyển biến.
Hiện nay, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP ước đạt 2,41km/km2, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô ước đạt 14,16%. Con số này còn rất thấp so với quy định, bởi mật độ đường giao thông phải đạt 10 – 13 km/km2, tỷ lệ đất giao thông phải đạt từ 24% – 26%.
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng. Tính đến tháng 9/2024, TP.HCM đang quản lý 9.425.596 phương tiện, trong đó, có 989.505 xe ô tô và 8.436.091 xe mô tô. So với cùng kỳ năm 2023, tổng số phương tiện đang quản lý tăng 4,77% (ô tô tăng 7%, mô tô tăng 4,51%).
Do số lượng phương tiện quá lớn, vận tốc lưu thông trung bình trên địa bàn TP thấp, chỉ đạt 36km/h; một số khu vực có tốc độ thấp hơn như trung tâm TP đạt 33km/h, cửa ngõ phía Nam TP chỉ đạt 25km/h…
Giải pháp nào cho tình trạng quá tải?
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Phòng Xây dựng công trình, Sở GTVT TP.HCM cho biết, để kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện hai nhóm giải pháp chính.
Đầu tiên, đối với giải pháp công trình, Sở GTVT TP sẽ tập trung triển khai đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030. Trong đó, ưu tiên khép kín Vành đai 2; xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 3, 4, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu đường Bình Tiên, đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa kết nối với nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Đồng thời, mở rộng quốc lộ 13, quốc lộ 50, đường Trường Chinh, đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Nguyễn Duy Trinh; cải tạo các nút giao như An Phú, Mỹ Thủy, 4 Xã, Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ…; ưu tiên đầu tư các công trình vừa chống ngập vừa mở rộng đường giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông và hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
Sở GTVT TP.HCM cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Theo đó nâng cấp, mở rộng: Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân đến ranh tỉnh Long An); quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương); quốc lộ 22 (từ An Sương đến Vành đai 3); đường trục Bắc Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành); xây mới cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh).
Đối với giải pháp phi công trình, Sở GTVT TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị… về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, linh hoạt, khoa học nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; phát huy hiệu quả của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị trong quản lý, điều hành giao thông, hỗ trợ công tác xử lý vi phạm, cung cấp thông tin giao thông trực tuyến…
Đồng thời, tập trung phát triển giao thông công cộng thông qua Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân; tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trong quản lý hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
8 “điểm đen” ùn tắc tại TP.HCM:
1.Đường Nguyễn Tất Thành (quận 4): ùn tắc 811 lần, tương đương khoảng 90 lần/tháng. 2. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sĩ, quận Bình Thạnh): ùn tắc 615 lần, tương đương 68,3 lần/tháng. 3. Giao lộ Đinh Bộ Lĩnh – Bạch Đằng, quận Bình Thạnh: ùn tắc 588 lần, tương đương 65,3 lần/tháng. 4. Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình): ùn tắc 569 lần, tương đương 63,2 lần/tháng. 5. Nút giao An Phú, TP Thủ Đức: ùn tắc 554 lần, tương đương 61,5 lần/tháng. 6. Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái, TP Thủ Đức: ùn tắc 195 lần, tương đương 21,6 lần/tháng. 7. Đường Dương Bá Trạc – Khu vực cầu Kênh Xáng, quận 8: ùn tắc188 lần, tương đương 20,8 lần/tháng. 8. Ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh: ùn tắc 161 lần, tương đương 17,8 lần/tháng. |
Mỹ Quỳnh