Kinh nghiệm, bài học nào trong đảm bảo TTATGT ở Thanh Hóa
Thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Tuy nhiên, TNGT vẫn đang ở mức cao.
Phân tích dữ liệu TNGT, chỉ ra nguyên nhân
Thanh Hóa được là tỉnh có địa hình rộng lớn với diện tích tự nhiên đứng thứ 5 trên cả nước, dân số đông đứng thứ 3 trên cả nước. Đây cũng là một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước có mạng lưới giao thông đa dạng, với đầy đủ các loại hình, gồm: đường bộ (trong đó có 98,8Km đường bộ cao tốc phía Đông), đường sắt Bắc – Nam, đường thủy nội địa, cảng biển, Cảng hàng không Thọ Xuân.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương luôn xác định công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp kiềm chế TNGT, bảo đảm trật tự an toàn giao thông kịp thời, hiệu quả có tính định hướng, dài hạn phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT trên cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, TNGT có giảm nhưng chưa bền vững, trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông chưa đầu tư kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, trong khi số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện cá nhân, nhu cầu đi lại liên tục tăng cao và ngày càng có nhiều thanh thiếu niên, học sinh sử dụng phương tiện xe mô tô, xe máy, xe máy điện đến trường và tham gia các hoạt động khác. Trong đó, có nhiều học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa, trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 694 vụ, làm chết 291 người, làm bị thương 597 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 11 vụ (1,6%), giảm 30 người chết (9,3%), tăng 31 người bị thương (5,5%), thiệt hại tài sản khoảng 11,7 tỉ đồng.
Trong số đó, TNGT đường bộ xảy ra 686 vụ, làm chết 285 người, bị thương 596 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 08 vụ (1,2%); giảm 32 người chết (10,1%); tăng 31 người bị thương (5,5%). TNGT đường sắt xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 3 vụ, tăng 2 người chết.
Trước vấn đề trên, Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị các ngành chức năng tổng hợp, phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến TNGT. Từ đó đưa ra giải pháp khắc phục.
Qua phân tích cho thấy, các tuyến xảy ra nhiều TNGT như: đường nội thị (chiếm 17,78% tổng số vụ); đường liên huyện, xã (chiếm 16,3%); đường tỉnh (chiếm 15,1%); QL1A (chiếm 13,2%); QL45 (chiếm 5,9%); QL47 (chiếm 5,5%).
Đối tượng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện chiếm tỉ lệ cao nhất trong các phương tiện liên quan đến vụ TNGT (chiếm tới 57,3% tổng số phương tiện); tiếp đến là ô tô tải (19,3%) và ô tô con (13%).
Ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2024, trong toàn tỉnh có 888 người chết và bị thương do TNGTtai nạn giao thông. Trong đó, giới tính nam có 620 nạn nhân (chiếm 69,8%); 268 nữ (chiếm 30,2%). Về độ tuổi thì dưới 18 tuổi là 172 người (chiếm 19,4%); từ 18 – 27 tuổi là 154 người (chiếm 17,3%); từ 27 – 55 tuổi là 329 người (chiếm 37%); trên 55 tuổi là 233 người (chiếm 26,2%).
Theo ông Linh, hầu hết nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông, cụ thể: Không chú ý quan sát (chiếm 29,8%); vi phạm tốc độ (chiếm 15,9%); vi phạm làn đường, phần đường (chiếm 12%)…
Điển hình nhất là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra vào hồi tháng 2/2024, ô tô mang BKS 36A-923.xx do N.Q.G (SN 1984, ngụ ở thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển đi theo hướng Đông – Tây.
Khi ô tô đến cầu vượt Phú Sơn bất ngờ tông trực diện vào xe máy BKS 36B7-965.9x khiến cả hai cô gái đi trên xe máy bị hất văng xuống dưới ta luy âm của cầu vượt Phú Sơn và tử vong. Nguyên nhân sau đó được cơ quan chức năng chỉ rõ do tài xế xe ô tô không chú ý quan sát, đi sai phần đường dẫn tới va chạm
Lỗi do đâu?
Trao đổi với Báo Giao thông về các lỗi trong TNGT, ông Vũ Hoàng Linh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Ngoài nguyên nhân chính trong TNGT là ý thức người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì cũng kể đến các yếu tố khác như hạ tầng, công tác TTKS trên đường.
“Hạ tầng giao thông và công tác kiểm soát, quản lý chỉ là 1 phần nhỏ, tác động vào TNGT chứ không thuộc nhóm chính gây ra TNGT. Ví dụ như trên các tuyến đường đang sửa chữa, nâng cấp, đường miền núi quanh co, đường không có hệ thống chiếu sáng, che khuất tầm nhìn cũng dễ dẫn đến TNGT.
Hàng năm mặc dù đều có rà soát các điểm tiềm ẩn, điểm đen nhưng kinh phí chưa kịp thời để khắc phục. Hiện nay lực lượng công an đang thiếu hụt, không thể tuần tra khép kín dẫn đến các đối tượng vi phạm lợi dụng chạy tốc độ cao, lạng lách…”, ông Linh cho hay.
Cùng quan điểm trên, Thượng tá Trang Công Đông, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cũng không thể đổ lỗi hết cho hạ tầng giao thông và công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người tham gia giao thông. Việc này đã được chỉ rõ trong quá trình phân tích dữ liệu, hồ sơ tai nạn.
Cụ thể, thời gian qua, lực lượng công an đã xử lý 88.000 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 204 tỉ đồng. Đây là số liệu lớn so với các tỉnh, thành của cả nước. Chúng tôi rất quyết liệt trong vấn đề xử lý vi phạm, không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Còn về mặt hạ tầng thì lại liên quan đến số lượng phương tiện. Nhiều xe mà đường chật thì cũng gây ách tắc, đường đẹp mới đưa vào sử dụng nhưng người dân chưa quen trong khi có nhiều điểm giao cắt cũng dễ xảy ra TNGT. Hay như những tuyến đường bị che khuất, nhỏ hẹp, xuống cấp chưa được đầu tư kịp thời. Những điều này không thể nói là lỗi chính được, chỉ là yếu tố tác động vào.
“Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải chú ý quan sát, đường xấu đi chậm lại, đường mới thì cũng đi chậm lại. Bây giờ mà thấy đường đẹp rồi phóng nhanh thì việc TNGT là không thể tránh khỏi”, Thượng tá Đông chia sẻ thêm.
Cũng theo thượng tá Trang Công Đông, các hành vi vi phạm về TTATGT tuy đã được các lực lượng chức năng xử lý quyết liệt, nhưng việc vi phạm của người điều khiển phương tiện vẫn diễn biến tương đối phức tạp. Thống kê cho thấy, tỉ lệ người điều khiển phương tiện xe mô tô vi phạm pháp luật về TTATGT chiếm tới 72,4% tổng số trường hợp vi phạm; ô tô là 26,6%; các phương tiện khác chiếm 1%. Hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chiếm 25,4%; vi phạm nồng độ cồn, chiếm 18,2%; vi phạm về tốc độ, chiếm 12,6%; chở hàng quá tải, chiếm 4%…
Bàn về giải pháp trong những tháng cuối năm 2024, Thượng tá Trang Công Đông cho biết: Qua phân tích cho thấy nhóm vi phạm sử dụng mô tô chiếm tỷ lệ cao nên sẽ tập trung vào đó để xử lý, kiểm soát tốt tình hình. Sau đó sẽ tập trung vào các phương tiện xe chở khách…
Phúc Tuấn