Giải pháp nào ngăn “quái xế” tuổi vị thành niên?
Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng người chưa đủ tuổi lái xe “đi bão”, đua xe, ngoài xử lý nghiêm hành vi này thì việc giáo dục của chính các bậc cha mẹ các em là điều cưc kỳ quan trọng. Cùng với, các bậc phụ huynh phải hiểu biết pháp luật, không được giao xe cho con mình khi con chưa đủ điều kiện (độ tuổi và giấy pháp lái xe).
Cha mẹ có thể bị phạt tù
Đầu tháng 11/2024, dư luận cả nước xôn xao và bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi của nhóm “quái xế” đi xe lạng lách, đánh võng sau đó tông tử vong cô gái trẻ đang dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội.
Đáng chú ý, các “quái xế” này chủ yếu là chưa đủ 18 tuổi, những chiếc xe máy mà những đối tượng này sử dụng có dung tích xilanh đều trên 50cm3. Có nghĩa là những đối tượng này không được phép điều khiển những chiếc xe máy này.
Sau vụ việc này, dư luận không khỏi giật mình vì nhiều bậc phụ huynh hiện nay vẫn vô tư giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Đáng nói, dù trước đó đã có những trường hợp phụ huynh đối diện án tù chỉ vì giao xe cho con chưa đủ tuổi cầm lái.
Điển hình như vụ việc xảy ra hồi tháng 5, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà H.T.K.L (46 tuổi, trú TP Huế) vì hành vi giao xe cho con trai chưa đủ tuổi điều khiển, không có giấy phép lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.
Cụ thể, năm 2023, con trai bà L đã lấy xe máy mà bà đứng tên để sử dụng rồi đâm vào xe máy đi đối diện. Vụ tai nạn khiến 1 người chết. Bản thân con trai bà L cũng bị chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, những người tham gia đua xe phần lớn tuổi còn rất trẻ. Điều đáng trách hơn là các bậc phụ huynh đã không quản lý con em mình dẫn đến những đứa trẻ chưa thành niên thực hiện hành vi đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại đến tính mạng của người khác.
“Bởi vậy, ngoài việc các đối tượng tham gia tổ chức đua xe, đua xe trái phép phải chịu trách nhiệm hình sự, vấn đề bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân cũng sẽ được đặt ra.
Theo đó, các bậc phụ huynh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi người dưới 18 tuổi gây thiệt hại”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin.
Ngoài ra, những người là chủ sở hữu xe mà giao xe cho người dưới 18 tuổi điều khiển gây tai nạn giao thông thì cũng có thể bị xử lý hình sự về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.
Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Trong đó, cha mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người… có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.
Việc giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe cũng sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 2 triệu đồng đối với xe máy; từ 4 – 6 triệu đồng đối với ô tô.
Bố mẹ cần làm gương
PGS.TS Trần Thành Nam (Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; chuyên gia với nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý, hành vi của lứa tuổi thanh thiếu niên) cho rằng nền tảng giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc hình thành thói quen của người trẻ.
Ông cho rằng môi trường gia đình tích cực thì rất khó để một bạn trẻ trở nên thiếu định hướng, không tôn trọng các nguyên tắc và giới hạn, không biết phân biệt đúng sai và hành động bất chấp.
Tuy nhiên ở thời điểm con bước vào tuổi vị thành niên cũng là giai đoạn cha mẹ đang bận rộn kiếm tiền nhất. Cha mẹ không có thời gian dành cho con cái, không thể giao tiếp và kết nối cảm xúc với con thì không thể áp đặt các quy định.
Ông Nam cũng nêu hiện trạng nhiều cha mẹ không phải là tấm gương tốt. Yêu cầu con phải thực hiện nguyên tắc nhưng chính họ cũng vi phạm nguyên tắc, bất chấp các quy tắc pháp luật về giao thông.
Điều này không khó để bắt gặp trên đường như: phụ huynh không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, giao xe cho con khi chưa đủ tuổi… Chính điều này càng làm cho người trẻ trở nên thiếu kỷ luật.
“Khó có đứa trẻ tốt nếu cha mẹ chưa làm gương bằng những thói quen tốt”, theo ông Nam.
Nêu ý kiến về giải pháp, ông Nam cho rằng bên cạnh những chế tài pháp luật mang tính răn đe, mỗi gia đình cần xây dựng lại mối quan hệ cha mẹ – con cái tích cực. Điều này được thực hiện qua việc nâng cao nhận thức về kỷ luật, kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả, tạo mối quan hệ thân thiết và tin tưởng. Từ đó giáo dục nhận thức cho con, em.
Song song đó nhà trường và xã hội cần định hướng giá trị cho thế hệ trẻ, tạo ra nhiều diễn đàn thú vị để các em có không gian thể hiện cá tính và những tài năng rất cá nhân hóa, tăng cường tạo ra các “trend” tích cực. Đồng thời cần kiểm duyệt, loại trừ những hành vi nguy hại đang được đưa lên không gian mạng.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, qua những vụ thiếu niên chưa đủ tuổi lái xe máy gây tai nạn vừa qua qua có thể thấy trách nhiệm của bố mẹ trong việc giáo dục con em thực hiện pháp luật là chưa nghiêm túc.
Cần xử lý nghiêm để răn đe
Về giải pháp, theo đại biểu Tạ Văn Hạ, trước hết phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Thậm chí, cần phải nâng cao hình phạt để tăng tính răn đe.
Ông Hạ cũng lưu ý đến việc quy định trách nhiệm của những người giao xe. Cùng với đó, cần tăng cường nhận thức trong nhà trường, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật trật tự an toàn giao thông cho học sinh.
“Việc này, ở cấp tiểu học và trung học cơ sở làm rất tốt. Nhưng đặc biệt, đối tượng cấp 3 phải tăng cường hơn, làm tốt hơn giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông”, ông Hạ nói.
Ông Hạ cũng cho biết, trẻ vị thành niên là đối tượng chưa trưởng thành, tâm sinh lý chưa hoàn thiện và tuổi này cũng rất hiếu động, dễ nổi loạn, nên cần phải có sự quan tâm, ứng xử đặc biệt.
Vì vậy, phải có các giải pháp phòng từ xa, để các cháu không vi phạm pháp luật, bằng cách tăng cường giám sát, giám hộ, tăng cường giáo dục của nhà trường.
Dẫn Luật Tư pháp người chưa thành niên mà Quốc hội đang cho ý kiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng nhiều quy định trong dự án luật mang tính nhân văn, chú trọng biện pháp xử lý chuyển hướng, tạo điều kiện cho người vị thành niên làm lại cuộc đời.
Tuy nhiên, bà Nga lo lắng khi báo cáo Chính phủ nêu trẻ chưa thành niên phạm tội nhiều, có xu hướng tăng lên và tội phạm ngày càng trẻ hóa.
“Với tình trạng này mà có biện pháp xử lý mềm dẻo liệu có làm gia tăng tội phạm hay không?”, bà Nga nêu.
Khẳng định thanh thiếu niên là người cần bảo vệ để bảo đảm tính nhân văn, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, những đối tượng manh động, phóng nhanh, vượt ẩu thì “không nằm trong diện cần nhân văn”.
“Với những đối tượng gây tai nạn giao thông, đánh người gây thương tích thì phải xử lý thật nghiêm”, ông Hòa nêu quan điểm.
Phùng Đô