Từ vụ bé 5 tuổi bị đâm tử vong ở Nghệ An, bàn giải pháp đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh
Để ngăn những vụ tai nạn liên quan đến xe đưa đón học sinh, sau khi xem xét, làm rõ trách nhiệm các bên cần có những giải pháp cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn những cái chết thương tâm dành cho trẻ.
Liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến bé gái 5 tuổi tử vong khi vừa rời xe đưa đón ở Nghệ An, tiếp tục trao đổi với TS Trần Hữu Minh, Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia, ông cho biết, hiện nay, quy tắc giao thông ở Việt Nam còn nhiều bất cập.
Tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, khi thấy xe chở học sinh, tất cả các lái xe khác mặc nhiên phải giảm tốc độ, nhường đường, giữ khoảng cách lớn hơn và đặc biệt chú ý sẽ có thể xảy ra tình huống có học sinh đột ngột chạy qua đường. Những nội dung này đều được đưa vào quy tắc giao thông và trong chương trình đào tạo, sát hạch lái xe một cách rõ ràng.
Do đó, cần tiếp tục rà soát lại đã quy định các nội dung trên tại văn bản quy phạm pháp luật nào chưa, nếu chưa cần xem xét bổ sung.
Cùng với đó, quy định tiêu chuẩn, màu sắc xe đưa đón trẻ em mầm non và học sinh để tăng độ nhận diện phương tiện, thuận lợi cho lái xe khi áp dụng quy tắc trên. Theo ông Minh, về vấn đề này, Luật TTATGT đường bộ và Luật đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) đã bổ sung quy định về xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đưa đón học sinh, trong đó có quy định nhận diện cho loại xe này. Như vậy khoảng trống này đã được lấp đầy.
Tuy nhiên, từ nay đến 1/1/2025 khi quy định có hiệu lực còn hơn 1 tháng nữa. Do đó, cần có những giải pháp nhận diện đơn giản khác có thể áp dụng ngay để tăng sự chú ý của các lái xe trên đường đối với xe chở trẻ em học sinh, đơn cử như có thể sử dụng phản quang màu vàng hay dán hình trẻ em phía sau xe.
Mặt khác, Nghị định 100 của Chính phủ, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới đã quy định và chỉ đạo rõ cần kiểm tra toàn diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe tải, xe khách nếu để xảy ra TNGT nghiêm trọng. Nếu doanh nghiệp vận tải vi phạm quy định, Sở GTVT nơi các doanh nghiệp đăng ký cần xem xét mức độ vi phạm để rút giấy phép kinh doanh theo đúng NĐ 100, chỉ thị 10 và chỉ thị 23, nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như tạo tính răn đe cho doanh nghiệp.
Về hạ tầng, theo PGS. TS Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT), cần nghiên cứu xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, cải tạo môi trường xung quanh trường học, như: Lắp đặt các biển báo hiệu đi chậm, cảnh báo khu vực trường học, sơn vạch kẻ dành cho người đi bộ, gờ giảm tốc…
Đồng quan điểm, ông Minh cũng cho rằng cần rà soát xem đã có quy định về vị trí đón/trả trẻ em mầm non và học sinh chưa, bao gồm quy định về biển báo, giảm tốc độ, gờ giảm tốc,…tại vị trí đón trả.
Nếu đã có quy định thì vị trí đón/trả hiện đã đảm bảo yêu cầu trong quy định chưa, qua đó làm rõ trách nhiệm của đơn vị thực hiện. Còn nếu chưa có quy định cần xem xét trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm ban hành.
Cuối cùng, ông Minh nhấn mạnh, cần xem xét toàn diện trách nhiệm các bên để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, từ đó giúp nâng cao tổng thể an toàn giao thông đối với dịch vụ đưa đón trẻ em mầm non và học sinh trên toàn quốc.
Khoảng 17h15 chiều 18/11, xe khách hợp đồng đưa đón học sinh lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đến đoạn qua xóm 1, xã Cao Sơn dừng lại trả cháu L.T.K.N (5 tuổi) xuống xe để vào nhà. Trong lúc bé băng qua đường phía trước đầu xe khách, một xe tải cùng chiều lao tới đâm trúng khiến cháu K.N tử vong.
Trả lời báo chí, tài xế C.Đ.C (trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) điều khiển xe đưa đón học sinh cho biết, hôm xảy ra sự việc, xe anh chở tổng số 42 học sinh, trong đó có 28 học sinh tiểu học, còn lại là mầm non, do phụ huynh tự hợp đồng với nhà xe. |
Yến Chi