Bảo vệ trẻ khi ngồi trên ô tô
Từ 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi ngồi trên xe ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị đang được Bộ GTVT khẩn trương xây dựng.
Giảm thiểu tai nạn cho trẻ
Tháng 2/2024, vụ TNGT liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn khiến 3 mẹ con ngồi ở hàng ghế sau tử vong. Trước đó, tháng 7/2023, tại Nam Định, nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong trong vụ tai nạn giữa xe ô tô 4 chỗ và xe tải. Đáng nói, cháu bé tử vong dù có người lớn ngồi bên cạnh.
Bộ GTVT đang khẩn trương xây dựng Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.
Theo các chuyên gia, thương vong của trẻ em trong các vụ tai nạn trên hoàn toàn có thể được giảm thiểu nếu sử dụng thiết bị an toàn (TBAT) cho trẻ.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng dẫn chứng, kết quả tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng TBAT có thể giảm tỷ lệ thương tích từ 25-90% cho trẻ em.
Với mục tiêu giữ an toàn cho trẻ em, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế với lái xe và phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành quy chuẩn vừa giúp cơ quan nhà nước quản lý được chất lượng sản phẩm ghế ngồi xe ô tô cho trẻ em, vừa làm căn cứ để người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm an toàn, chất lượng.
Cần có quy chuẩn riêng
Bà Hoàng Na Hương, Phó chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á nhìn nhận, hiện nay TBAT cho trẻ em trên ô tô chủ yếu nhập khẩu. Do đó, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm tiêu chí, cơ sở cho việc quản lý chất lượng.
Đại diện một công ty chuyên phân phối các sản phẩm TBAT cho trẻ em cho biết, các ghế ô tô dành cho trẻ em trên thị trường hầu hết theo tiêu chuẩn an toàn của châu Âu, phân theo chiều cao hoặc cân nặng.
Để sử dụng TBAT cho trẻ trên ô tô có thể sử dụng neo ISOFIX hoặc dây đai an toàn. Trong đó, ISOFIX là hệ thống giữ cố định ghế trẻ em lên xe ô tô, đồng thời, là cơ cấu để hạn chế xoay ghế trẻ em.
Với các ô tô cũ, chưa được trang bị ISOFIX có thể dùng dây đai an toàn của xe để chằng ghế ngồi vào xe hơi, sau đó dùng hệ thống đai an toàn của ghế để giữ an toàn cho bé.
Cũng theo vị đại diện này, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với xe ô tô cũng cần bổ sung quy định về thiết bị ISOFIX, đảm bảo mọi ô tô đều có thể đáp ứng việc lắp đặt TBAT cho trẻ em.
Những tiêu chí bắt buộc
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về TBAT cho trẻ em trên ô tô, trong đó nêu rõ, ghế trẻ em là tổ hợp các bộ phận bao gồm ghế, dây đai, khóa an toàn, thiết bị điều chỉnh và các phụ kiện khác như nôi, tấm chắn va chạm; có khả năng lắp đặt chắc chắn lên xe ô tô.
Ghế trẻ em được phân loại thành 5 nhóm dựa theo cân nặng của trẻ. Bên cạnh yêu cầu chung, tùy theo từng nhóm sẽ có những yêu cầu kỹ thuật riêng.
Dự thảo quy định ghế trẻ em phải được thiết kế và lắp đặt đảm bảo giảm thiểu nguy cơ gây thương tích cho trẻ hoặc cho những người ngồi trên xe khác; Không được lộ các cạnh sắc có thể gây hư hại cho vỏ bọc ghế xe hoặc quần áo của người ngồi trong xe. Không để các bộ phận yếu của cơ thể trẻ em (bụng, vùng chậu…) chịu tác động của các lực quán tính.
Ngoài ra, chỉ sử dụng thiết bị rút dây kiểu khóa tự động hoặc kiểu khóa khẩn cấp. Hệ thống đai an toàn cho trẻ em phải đảm bảo cho trẻ có thể được khống chế hoặc tháo ra một cách dễ dàng.
Theo một thành viên ban soạn thảo, dự thảo được xây dựng dựa trên 2 tiêu chuẩn chất lượng về thiết bị an toàn của châu Âu.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định UNECE 1958 về việc chấp thuận các quy định kỹ thuật thống nhất đối với xe cơ giới. Do đó, việc tham khảo quy định quốc tế là cần thiết.
Tuy nhiên, ban soạn thảo đang tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh các quy định để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.
Nội dung của dự thảo chia làm hai phần, đầu tiên là quy định về yêu cầu kỹ thuật liên quan đến linh kiện, phụ tùng của ghế trẻ em. Phần hai là yêu cầu an toàn của ghế lắp trên xe ô tô khi có va chạm (còn gọi là thử an toàn động).
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, tại dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô, Bộ GTVT đã đưa vào đề xuất quy định tất cả xe ô tô chở người sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải trang bị hệ thống khóa neo ISOFIX.
Trong đó, xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi phải trang bị tối thiểu 2 vị trí ở hàng ghế thứ hai để lắp hệ thống khoá neo ISOFIX, trừ xe có một hàng ghế không yêu cầu vị trí lắp.
Với xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi có hai cánh cửa hoặc kết cấu xe chỉ cho phép 1 hàng ghế dọc thì trang bị tối thiểu một hệ thống ISOFIX ở hàng ghế khách. Nếu hệ thống ISOFIX lắp ở hàng ghế trước được bảo vệ bằng túi khí phía trước, phải lắp đặt hệ thống vô hiệu túi khí này. Với xe chở người khác, phải trang bị ít nhất một hệ thống khoá neo ISOFIX, từ hàng ghế thứ hai.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều nhà phân phối ghế ngồi ô tô cho trẻ em, với đa dạng mẫu mã và thương hiệu. Những chiếc ghế này được thiết kế thông minh, với nhiều chế độ điều chỉnh giúp trẻ thoải mái hơn khi ngồi trên xe, đai thắt an toàn với nhiều nấc khác nhau giúp cố định tư thế của trẻ.
Chủng loại ghế ngồi ô tô cho trẻ em khá đa dạng như ghế ngồi ô tô kiêm nôi xách tay, ghế ngồi ô tô 1 chiều, ghế ngồi ô tô 2 chiều… Mức giá bán dao động từ khoảng 1,5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 7 triệu đồng/chiếc, thậm chí có mẫu trên 11 triệu đồng. Việc lắp đặt các thiết bị an toàn này trên xe ô tô cũng đơn giản, không có gì phức tạp.
Yến Chi