Bé 5 tuổi bị đâm tử vong khi vừa rời xe đưa đón: Trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 18/11, tại Nghệ An, vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra đã cướp đi tính mạng của một bé gái 5 tuổi ngay khi con vừa rời xe đưa đón để về nhà, khiến nhiều người xót xa.
Những ngày qua, thông tin vụ tai nạn khiến bé gái 5 tuổi ở Nghệ An tử vong khi từ trường về nhà tràn ngập trên các tờ báo, mạng xã hội khiến dư luận vô cùng xót xa.
Vụ việc xảy ra khoảng 17h15 chiều 18/11, xe khách hợp đồng đưa đón học sinh lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đến đoạn qua xóm 1, xã Cao Sơn dừng lại trả cháu L.T.K.N (5 tuổi) xuống xe để vào nhà. Trong lúc bé băng qua đường phía trước đầu xe khách, một xe tải cùng chiều lao tới đâm trúng khiến cháu K.N tử vong.
Trả lời báo chí, tài xế C.Đ.C (trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) điều khiển xe đưa đón học sinh cho biết, hôm xảy ra sự việc, xe anh chở tổng số 42 học sinh, trong đó có 28 học sinh tiểu học, còn lại là mầm non, do phụ huynh tự hợp đồng với nhà xe.
Theo anh C. mỗi ngày xe anh sẽ đưa đón 4 chặng gồm: Sáng đi trưa về, đầu giờ chiều đi chiều tối đón về, với giá 400.000 đồng/cháu/tháng. Theo quy trình, ở chiều trả học sinh, xe di chuyển đến cổng nhà các cháu, sẽ có phụ huynh, người nhà ra đón trẻ.
Trường hợp bé K.N, bà nội cháu hợp đồng với nhà xe đưa đón 4 trẻ (gồm 2 cháu ngoại, 2 cháu nội) đưa đón hàng ngày. Vào hôm xảy ra tai nạn, hai cháu ngoại được mẹ đón ở trường để đi chúc mừng ngày 20/11, nên anh C chỉ chở cháu N và một bé khác về. Khi xe đến đối diện ngõ, bà nội cháu N đã chờ sẵn, đứng ngay cửa xe để đón các cháu như thường lệ. Lúc đó, một cháu xuống trước, đã chạy về nhà, còn bé N đứng gần đầu xe.
Trong lúc anh C và bà nội nói chuyện về việc hai cháu ngoại đã được mẹ đón ở trường thì N nhìn thấy chị đứng bên kia đường nên tự chạy qua và bị xe tải đâm trúng.
Bà nội thấy thế vội bế cháu lên nhờ người đưa đi cấp cứu nhưng bé N không qua khỏi.
Theo lãnh đạo xã Cao Sơn, xe đưa đón trẻ mầm non và học sinh của anh C do một số người dân trong các xóm hợp đồng với nhà xe để đưa đón trẻ từ hơn một năm nay. Lái xe khách và gia đình cháu N đều trú cùng xóm.
Hiện Công an huyện. Anh Sơn (Nghệ An) đang tạm giữ các phương tiện liên quan vụ tai nạn để làm rõ nguyên nhân.
Về vụ việc này, TS Trần Hữu Minh, Chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết ngoài việc xem xét trách nhiệm trực tiếp, các cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm gián tiếp ở nhiều mặt, từ đó, có giải pháp để phòng ngừa các vụ tai nạn tương tự, điều này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất rõ trong Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Việc điều tra, phân tích và kết luận sẽ do cơ quan chức năng thực hiện.
Về phân tích các yếu tố liên quan gián tiếp, có một số nội dung cần lưu ý:
Trước tiên, tình huống để trẻ chạy qua đường mà không giám sát, trách nhiệm thuộc sẽ về người lớn. Đó là trách nhiệm của người đi đón trẻ hoặc trách nhiệm của lái xe, hoặc cả hai, khi dừng xe cho trẻ xuống mà không đưa trẻ về đến cổng nhà an toàn.
Đồng quan điểm, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 đang có hiệu lực đã quy định rõ: “Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt, mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường“.
Mặt khác, theo ông Minh, kể cả khi xem xét trách nhiệm của người đón trẻ, của lái xe khách, lái xe tải thì mới chỉ xử lý phần ngọn, cần xem xét các nguyên nhân sâu xa gián tiếp khác để có giải pháp xử lý tận gốc tình huống trên.
Cụ thể, đó là trách nhiệm của nhà trường, của doanh nghiệp vận tải cung ứng dịch vụ và của phụ huynh trong xây dựng quy trình đưa đón trẻ.
Cần làm rõ cơ quan có trách nhiệm (thông thường là ngành Giáo dục và Đào tạo) đã ban hành quy định, hướng dẫn quy trình đưa đón trẻ hay chưa (bao gồm cả trường hợp phụ huynh tự thuê xe thì cần phải báo cáo thông tin này cho những ai trong nhà trường…)? nhất là khi thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ TNGT liên quan đến xe đưa đón học sinh và cơ quản quản lý, lực lượng chức năng cũng đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này.
Nếu có quy trình đưa đón trẻ rồi thì nhà trường, doanh nghiệp vận tải cung ứng dịch vụ, phụ huynh đã thực hiện đúng chưa. Nếu có quy định mà phụ huynh tự thuê xe đưa đón trẻ thì trách nhiệm thuộc về phụ huynh, nếu chưa có quy định thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý chưa ban hành quy định.
Ngoài ra cần xem kỹ quy định về quản lý học sinh, cụ thể là đã có quy định ai cần khai báo nếu sử dụng xe đưa đón, làm rõ trách nhiệm của giáo viên, nhà trường trong việc này chưa?. Nếu có quy định mà chưa thực hiện, trách nhiệm sẽ thuộc về nhà trường, giáo viên có liên quan; nếu chưa có quy định thì nhà trường, giáo viên không có lỗi, trách nhiệm lúc đó thuộc về cơ quan có trách nhiệm ban hành quy định về quản lý học sinh.
Tiếp đó, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý có liên quan tại địa phương. Khi cung ứng dịch vụ vận tải tại địa phương, chủ phương tiện sẽ phải khai báo, đăng ký với cơ quan quản lý tại địa phương. Nếu chủ xe chưa đăng ký, trách nhiệm lớn sẽ thuộc về chủ xe khách. Trong trường hợp này cũng cần xem xét trách nhiệm các cơ quan chức năng tại địa phương như: thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương….tại sao xe không đăng ký kinh doanh vận tải, sử dụng đưa đón học sinh trong thời gian dài vẫn không bị phát hiện, xử lý và ngăn chặn.
Trường hợp chủ xe đã đăng ký rồi thì cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là Sở GTVT địa phương: có theo dõi, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định về đưa đón trẻ em mầm non và học sinh không, có từng phát hiện và xử lý vi phạm đối với phương tiện này chưa. Chi tiết xe 29 chỗ mà chở hơn 40 trẻ em mầm non và học sinh (dù lý do là để mưu sinh) thì cũng cần xem xét tính chất cố tình vi phạm quy định pháp luật giao thông của chủ xe khách.
Tiếp đó, cũng cần xem xét đến kỹ năng lái xe của tài xế xe tải, dù nhìn thấy xe khách phía trước đang dừng nhưng vẫn vượt lên với tốc độ khá cao, chứng tỏ kiến thức và kỹ năng lái xe còn “hổng”. Trong trường hợp này, cần nghiên cứu, bổ sung vào nội dung đào tạo sát hạch lái xe khi thấy xe khách dừng bên lề, cần phán đoán có thể có hành khách xuống xe và đột ngột chạy qua đường. Như vậy, tài xế xe đi phía sau phải chủ động giảm tốc độ xuống thấp, có còi cảnh báo, khi đi qua khu vực này mới được tăng tốc trở lại.
Theo ông Minh, tình huống này cho thấy có thể còn là lỗ hổng trong đào tạo, sát hạch đối với chính lái xe tải này, do đó, cần xem tiếp trách nhiệm và kiểm tra kỹ thầy dạy và cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tải hoạt động thế nào?.
Mặc dù trò vi phạm không có nghĩa thầy sai, nhưng nếu kiểm tra phát hiện thầy dạy lái và cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tải trên có vi phạm, cần xử lý thật nghiêm, gắn trách nhiệm để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, sát hạch lái xe.
“Việc kiểm tra thầy dạy và cơ sở đào tạo đã từng sát hạch lái xe tải trên cũng không có gì khó”, ông Minh nói.
Yến Chi