Bí kíp giúp một thành phố ở Mỹ 7 năm liên tiếp không ai tử vong vì TNGT
Kể từ tháng 1/2017, TP Hoboken (bang New Jersey, Mỹ) không ghi nhận trường hợp nào tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), trở thành hình mẫu trên toàn nước Mỹ về an toàn giao thông đường bộ.
Lấy người đi bộ là trung tâm, hạn chế ô tô
Năm 2015 đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khi bà Agnes Accera 89 tuổi đã tử vong do bị xe đâm khi băng qua đường tại khu phố kinh doanh Washington sầm uất nhất thành phố.
Tại lễ tang của bà, Thị trưởng TP Hoboken Ravi Bhalla, khi đó là thành viên Hội đồng Thành phố Hoboken, đã đến viếng lễ tang của bà dù không hề quen biết. Là một lãnh đạo của thành phố, sự ra đi đau đớn của bà Accera đã thôi thúc ông cùng hệ thống chính quyền thành phố phải nỗ lực làm cho giao thông trở nên an toàn hơn.
Thực tế ở Hoboken, một trong 4 đô thị có mật độ dân số cao nhất nước Mỹ, dù giao thông công cộng phủ rộng khắp, mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận nhưng ô tô vẫn ngập tràn trên khắp các tuyến phố, đỗ kín dọc đường. Thậm chí Hoboken còn thiếu chỗ đỗ xe đến mức nhiều phương tiện cố tình đỗ tại những nơi cấm dừng đỗ.
Hơn 2 năm sau, khi ông Bhalla trở thành Thị trưởng TP Hoboken, Hội đồng Thành phố đã cam kết theo đuổi mục tiêu Vision Zero, mô hình an toàn giao thông đường bộ hướng tới không có người chết vì tai nạn giao thông.
Thay vì cố gắng mở rộng đường, xây thêm bãi đỗ xe cho phương tiện cá nhân, kế hoạch hiện thực hóa Vision Zero gồm nhiều chuỗi giải pháp như giảm tốc độ tối đa cho phép chạy trên tuyến phố, điều chỉnh lại đèn giao thông tại nút giao,…
Trong đó theo đánh giá từ cơ quan chức năng, giải pháp hiệu quả nhất giúp kéo giảm số người chết vì tai nạn xuống bằng 0 là hạn chế điểm đỗ xe, đặc biệt loại bỏ điểm đỗ ô tô gần giao lộ, cấm xe cộ dừng đỗ trong phạm vi nút giao để tránh điểm mù, cũng như điều chỉnh tín hiệu đèn và thiết kế lại nút giao hướng tới ưu tiên người đi bộ.
Trong đó theo đánh giá từ cơ quan chức năng, giải pháp hiệu quả nhất giúp kéo giảm số người chết vì tai nạn xuống bằng 0 là hạn chế các điểm đỗ xe, đặc biệt loại bỏ các điểm đỗ ô tô gần giao lộ, cấm xe cộ dừng đỗ trong phạm vi nút giao để tránh điểm mù, cũng như điều chỉnh tín hiệu đèn và thiết kế lại nút giao hướng tới ưu tiên người đi bộ.
Ông Ryan Sharp, lãnh đạo cơ quan giao thông của Hoboken, cho biết tín hiệu đèn giao thông được lập trình để đảm bảo người đi bộ luôn có quyền đi trước ô tô.
Bên cạnh đó, mỗi khi tu sửa đường, thành phố sẽ kết hợp rào chắn các góc đường tại nút giao để mở rộng vỉa hè, rút ngắn khoảng cách sang đường cho người đi bộ.
Trên vỉa hè và phần đường cho người đi bộ mở rộng, thành phố cũng lắp đặt các giá để xe đạp, ghế dài và các bồn cây xanh giúp hấp thụ nước mưa.
“Thực sự đây không phải điều gì quá kỳ diệu hay sáng tạo. Chúng tôi tập trung vào các nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông”, ông Sharp cho hay.
Phản ứng trái chiều
Giải pháp hạn chế điểm đỗ xe, cấm dừng đỗ trong phạm vi nút giao tại một thành phố vốn khan hiếm bãi đỗ xe như Hoboken ban đầu nhận được nhiều ý kiến phản đối.
Vào thời điểm 2017-2018, khi các kế hoạch được xúc tiến trên địa bàn Hoboken, nhiều hộ kinh doanh lên tiếng phản đối, cho rằng việc mở rộng vỉa hè, xóa bỏ điểm đỗ xe đã khiến họ mất khách hàng.
“Trước kia có nhiều chỗ đậu xe hơn, nhiều ô tô qua lại hơn. Giải pháp của thành phố có vẻ đã hạn chế kết nối giao thông với những nơi khác”, một hộ kinh doanh cắt tóc trên đường Washington, Hoboken, cho biết.
Tuy nhiên sau thời gian triển khai, người dân và chuyên gia dần nhận thấy những lợi ích to lớn từ các giải pháp an toàn giao thông của thành phố.
Hiệu quả nhiều người dân nhận thấy trước hết là việc đi bộ qua đường dễ dàng và an toàn hơn nhiều so với trước kia.
Đặc biệt, sau khi áp dụng những giải pháp này, Hoboken đến nay đã nắm giữ ngôi vị 7 năm liên tiếp không có người chết vì tai nạn giao thông.
Thành công của Hoboken đã giúp củng cố niềm tin về mục tiêu Vision Zero, không có ai tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ, vốn trước đó bị nhiều người coi là khó có thể hiện thực hóa.
“Đây rõ ràng là mục tiêu táo bạo. Thành công của Hoboken đã đánh bại tư tưởng không thể tránh khỏi tử vong vì tai nạn giao thông, cũng như những suy nghĩ coi tử vong vì tai nạn giao thông là điều tất yếu trong xã hội hiện đại”, bà Leah Shahum, người sáng lập Vision Zero Network, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy an toàn giao thông đường bộ và ứng dụng mô hình Vision Zero, cho hay.
Bà cho biết quyết tâm chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa Vision Zero, trong đó các nhà lãnh đạo phải nhận thức rõ Vision Zero không phải một khẩu hiệu, càng không phải là một dự án hay chương trình. Đó là một cuộc cách mạng trong tư duy khi nhắc đến giao thông vận tải.
Mô hình Vision Zero dựa trên nguyên tắc đạo đức cơ bản, không bao giờ chấp nhận bất cứ trường hợp nào tử vong hoặc bị thương tích nặng khi di chuyển trên hệ thống giao thông đường bộ.Đặc biệt, thay vì chỉ những người tham gia giao thông phải chịu trách nhiệm chính trong các vụ tai nạn, Vision Zero nhấn mạnh trách nhiệm của cả hai đối tượng: các cơ quan thiết kế, xây dựng hệ thống giao thông và người tham gia giao thông đường bộ. |
Lưu Gia Huy