Trang chủ » Cần biện pháp mạnh ngăn “ma men” lái xe, ngừa tai nạn
Cần biện pháp mạnh ngăn “ma men” lái xe, ngừa tai nạn
09.12.2022
Dù biết hậu quả khi uống rượu bia xong lái xe nhưng nhiều người vẫn cố tình thực hiện, vì thế đã đến lúc cần những biện pháp xử lý mạnh tay hơn.
16h
Tọa đàm kết thúc.
15h55
Trước khi kết thúc Tọa đàm, người điều hành chương trình tóm tắt vấn đề và gửi câu hỏi cuối cùng tới các khách mời.
– Chúng ta đã được nghe các ý kiến chia sẻ của các vị đại biểu về thực trạng cũng như kiến nghị các giải pháp để xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất của Luật phòng chống tác hại rượu bia hay các văn bản quy phạm pháp luật khác là xây dựng nên một văn hóa mới trong xã hội “Đã uống rượu bia không lái xe”. Ngay cả khi xây dựng các Nghị định xử phạt với mức xử phạt cao cũng nhằm tính răn đe chứ không phải là phạt để lấy tiền.
Vấn đề rộng hơn là văn hóa sử dụng rượu bia trong dịp Tết, hình thành nên văn hóa giao thông an toàn, tạo thói quen đã uống rượu bia không lái xe trong ngày thường nói chung, đặc biệt trong dịp Tết, làm sao có ngày Tết vui vẻ, an toàn.
Việc xử phạt nghiêm về bản chất là tạo ra văn hóa mới trong uống rượu bia. Nó không chỉ đơn thuần nằm ở lực lượng CSGT khi xử phạt mà nó còn nằm ở vấn đề tuyên truyền vận động người dân, làm sao để cho vợ chồng cùng đi chúc tết, chồng uống, vợ thôi để lái xe đưa chồng về nhà.
Qua đó tạo ra văn hóa mới, thói quen mới trong gia đình, từ đó sẽ ra giá trị mới trong xã hội. Một cơ quan có quan tâm đến sự an toàn của cán bộ, nhân viên sau liên hoan hay không.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Tết đến xuân về, rồi các cuộc vui, các mối quan hệ ngoài xã hội, khó tránh khỏi việc sử dụng rượu bia. Qua công tác tuyên truyền cũng như xử lý vi phạm, lực lượng chức năng muốn người dân hiểu hành vi điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia không những gây nguy hiểm cho mình mà cả người tham gia giao thông khác.
Có nhiều cách xử lý như nhờ bạn bè, người thân, hoặc đi grab về. Hy vọng rằng người tham gia giao thông không những chấp hành nghiêm quy định về TTATGT mà còn ủng hộ lực lượng chức năng.
Ông Phạm Việt Công: Theo tôi, quan trọng là phòng ngừa. Như tôi nói ban đầu, có nhiều biện pháp, từ cưỡng chế, xử lý vi phạm, tăng tính răn đe. Tôi cho rằng hiện tại, quan trọng là làm sao để văn hoá giao thông đến với từng nhà. Người tham gia giao thông nhiều khi không chỉ đi một mình mà đi với cả gia đình, nắm trong tay sinh mạng của cả gia đình.
Nhiều người uống xong vẫn cho rằng mình chưa say, mình lái được. Nhưng thực ra đó là chủ quan của người đó. Có nồng độ cồn ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống. Do đó, tôi cho rằng, cần xử lý cao hơn về tiền, xử lý vi bổ sung. Mức phạt hiện nay tôi cho rằng đã rất cao rồi, nhưng vi phạm rõ ràng vẫn còn nhiều. Thực tế là do nhận thức, ý thức của người dân. Do vậy, tuyên truyền phải làm sao để thay đổi ý thức của người dân, tuyên truyền mạnh về chế tài xử phạt.
Ông Phạm Việt Cường: Tôi nhất trí ý thức là cái vô cùng quan trọng. Ở góc độ cá nhân, sau khi có Nghị định 100, đã dễ dàng hơn khi từ chối rượu bia do quy định pháp luật chặt hơn.
Một trong những việc đầu tiên, theo tôi hãy xác định đã uống không lái, kể cả xe máy, ô tô. Đừng vì chỉ sợ công an phạt mà vì chính mình và người thân của mình. Như tôi, đi uống bia là tôi có thể đi phương tiện công cộng, đi xe ôm.
Thứ hai, với lái xe, một trong những điểm quan trọng để đảm bảo an toàn là phải biết từ chối. Uống một chén cũng là vi phạm. Với bạn bè, người thân mình thì cũng không nên ép họ uống nếu họ phải lái xe. Nếu uống rồi thì cũng khuyên họ không nên lái xe về.
15h50
Muốn xử lý hình sự hành vi vi phạm nồng độ cồn cần phải có lộ trình
– Trong quản lý hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn khi lái xe, Việt Nam nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đó đa dạng hóa hình thức xử phạt (trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, tạm giữ xe và nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù.
Với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự vì bản chất hành vi này đe dọa nghiêm trọng tới an toàn tính mạng của người khác.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh chia sẻ như thế nào về đề xuất này?
– Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Để ngăn chặn hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, có nhiều giải pháp, sáng kiến của người dân, lực lượng chức năng, nhưng để hoàn thiện và đưa vào hệ thống pháp luật thì cũng cần thời gian, lộ trình.
Thực tế, lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều vi phạm liên quan nồng độ cồn. Giải pháp để phù hợp với người dân, thể chế quản lý, cơ sở hạ tầng như tôi vẫn nói: cần lộ trình. Làm sao phải áp dụng, tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT tới từng đối tượng, vùng miền, trình độ dân trí bằng những cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Tôi cũng là người tham gia giao thông, có những khi đưa con đến trường học, bản thân bố mẹ đưa con đi nhưng cả bố mẹ cả con không đội mũ bảo hiểm. Khi bố mẹ, ông bà không có tính nêu gương thì ý thức của đứa trẻ cũng sẽ khác với những đứa trẻ mà bố mẹ có ý thức chấp hành.
Như anh Duy vừa nói, chúng ta có thể ngăn chặn hành vi từ khi chưa gây ra hậu quả. Quy định hiện hành đã rõ. Vi phạm có khả năng thực tế dẫn đến TNGT gây nguy hại tính mạng người khác cũng sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị phạt tù từ 3 tháng – 1 năm.
Ông Phạm Việt Công: Chúng ta cần phân tích lý do vì sao các hành vi vi phạm giao thông tại nước ta diễn ra rất nhiều từ phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm…
Ngoài công tác tuyên truyền pháp luật, chúng ta phải có các biện pháp quản lý ở các cơ quan nhà nước để thay đổi tư duy uống bia rượu, từ đó giảm vi phạm.
Hiện tại, thực trạng vi phạm ATGT của chúng ta quá nhiều, không riêng vi phạm nồng độ cồn. Tần suất vi phạm như cơm bữa. Nhiều người cảm thấy các vi phạm đó không có gì to tát, nhưng thực ra đó vẫn là vi phạm pháp luật.
Cùng người dân Việt Nam, nhưng khi đi ra nước ngoài, họ lại chấp hành nghiêm. Như vậy, chúng ta phải quay lại đánh giá xem vì sao lại có sự thay đổi đó.
Về phía các cơ quan chức năng, hiện tại đã có nhiều biện pháp nhưng theo tôi, biện pháp cưỡng chế là rất quan trọng.
Các biện pháp xử phạt tiền, xử phạt bổ sung, chúng ta đều có.
Với việc trừ điểm giấy phép lái xe, đề xuất này đã được đề cập trong dự thảo luật của Bộ Công an. Chúng tôi đã tính toán và sau này sẽ lượng hoá để xây dựng từng mức phạt: trường hợp nào thì trừ điểm, trường hợp nào phải tước bằng lái xe.
Tuy nhiên, các đề xuất phạt công ích, phạt tù phải rất chắc chắn vì liên quan tới nhân quyền. Nhưng đến mức nào đó, chúng ta cần ngăn chặn để người dân hiểu rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải ngăn chặn và chịu hình phạt tương xứng. Chúng ta phải có lộ trình để đưa vào luật và làm cho người dân hiểu vấn đề đó.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đang xây dựng dữ liệu dân cư. Tôi cho rằng đây là việc rất tốt để có thể kết nối quản lý con người tốt hơn, giúp cho các cơ quan khác khai thác để đưa vào quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức.
Trước mắt, chúng ta phải nâng cao công tác tuyên truyền, định hướng cho người dân biết việc vi phạm như vậy nguy hiểm như thế nào với xã hội; tăng cường tuần tra, xử lý; cần đưa vào quản lý chung của các cơ quan đơn vị, tổ dân phố (chẳng hạn như để bình xét thi đua) để dần dần nâng cao ý thức của người dân.
– Ông Phạm Việt Cường có thể chia sẻ về vấn đề này và những kinh nghiệm quốc tế trong việc xử lý việc uống rượu bia hay không?
Ông Phạm Việt Cường: Tôi nhất trí với anh Công và chị Minh rằng Việt Nam đã có quy định pháp luật và phạt tiền khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng chúng ta mới áp dụng mức xử phạt này chưa lâu, cách đây khoảng 2-3 năm nên hiệu quả còn chưa thấy được ngay và những thay đổi cũng cần có thời gian và lộ trình.
Quốc tế cũng như vậy. Họ có 3 vấn đề quan trọng là giáo dục, cưỡng chế và môi trường.
Đối với việc giáo dục, sẽ tuyên truyền từ ý thức pháp luật, tác hại, nguy hiểm để kỳ vọng sự thay đổi hành vi của người dân, nhưng điều đó cần có thời gian và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau.
Thứ hai là cưỡng chế pháp luật. Mỹ hay Châu Âu ban đầu cũng chỉ dừng ở mức phạt tiền vi phạm, sau đó ngày càng thay đổi và siết chặt hơn. Ở Việt Nam cũng đang đi theo lộ trình này. Sau này, chúng ta có thể thấy những xử phạt hiện nay chưa đủ để xử phạt những hành vi nguy hiểm.
Hiện nay, chúng ta đang có những thay đổi và tôi tin Việt Nam sẽ có những lộ trình thay đổi, tăng mức xử phạt trong thời gian tới.
Ngoài ra, đối với môi trường sống xung quanh, ngoài kiểm tra ý thức sử dụng rượu bia khi lái xe thì phải kiểm soát cả việc uống. Chúng ta không cấm, nhưng nếu mọi người có thể uống bất cứ ở đâu, rượu bia cũng bán ở mọi nơi thì vấn đề này vẫn sẽ tồn tại ở mức cao.
3 nhóm trên đã được Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị các quốc gia tiếp cận. Chúng ta đang tuyên truyền tốt và việc cưỡng chế cũng đang làm, nhưng không có quốc gia nào mà lực lượng chức năng có thể kiểm soát khắp nơi. Chúng ta đã làm định kỳ, tổ chức thường xuyên nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.
Trong vấn đề về môi trường, tôi nghĩ chúng ta cần thay đổi. Hiện nay, thị trường vẫn khuyến khích uống, ví như quảng cáo dịp Tết là kiểu gì cũng có rượu bia. Chúng ta có thể không cấm nhưng không có nghĩa khuyến khích người tiêu dùng.
Trước khi uống, có thể có người nghĩ sẽ không lái xe, nhưng một khi đã có nồng độ cồn trong máu, họ không có ý thức để điều khiến chính bản thân mình mà ngồi vào cầm lái.
Tôi tin chúng ta sẽ ngày càng có những giải pháp hiệu quả và đi theo lộ trình của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần có thời gian chứ không thể làm ngay được.
15h45
Vi phạm nồng độ cồn là lỗi hành vi rất nghiêm trọng nhưng xử lý không đơn giản
– Thưa ông Công, về góc độ Uỷ ban ATGT Quốc gia, thời gian tới có những giải pháp như thế nào để nâng cao ý thức chấp hành quy định “Không sử dụng rượu bia khi lái xe”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán?
Ông Phạm Việt Công: Để thực hiện tháng cao điểm bảo đảm ATGT, Uỷ ban đã tham mưu Chính phủ ban hành công điện liên quan đến việc này, các địa phương cùng chung tay thực hiện.
Ông Phạm Việt Công cho biết, vi phạm nồng độ cồn được coi là lỗi hành vi rất nghiêm trọng nhưng xử lý không đơn giản
Thứ hai, chúng tôi cũng làm đầu mối để theo dõi tình hình, có những đề xuất với Chính phủ để các Bộ, Ban, ngành thực hiện mạnh mẽ hơn việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành quy định “Không sử dụng rượu bia khi lái xe” tại cơ quan, đơn vị mình. Còn lực lượng chức năng cũng sẽ thực hiện cao điểm, bố trí lực lượng để kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn.
Vi phạm nồng độ cồn được coi là lỗi hành vi rất nghiêm trọng. Các đơn vị báo chí truyền thông, người dân cũng có những phản ánh, phê phán với các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, để xử lý vi phạm vẫn không đơn giản. Xử lý vi phạm 1 người đã khó, nhiều người càng khó hơn. Do đó, phải nâng cao vấn đề cưỡng chế trong việc xử lý và đây cũng là điều mà lực lượng công an đang triển khai gắt gao.
Chúng tôi cũng sẽ cùng các cơ quan ban ngành theo dõi, kiểm tra, làm sao để chúng ta có môi trường tham gia giao thông an toàn, thuận lợi nhất trong dịp Tết Nguyên đán.
15h40
Cách nào ngăn ma men lái xe?
– Thưa Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, chắc hẳn một trong những cách ngăn ma men lái xe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông vẫn cần phải áp dụng và triển khai mạnh mẽ thời gian tới đó là lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục tuần tra kiểm soát, xử nghiêm các vi phạm. Vậy để hiệu quả hơn, cần đổi mới cách thức, phương pháp thực hiện như thế nào?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông liên tục, triệt để, kiên quyết.
Chúng tôi sẽ duy trì lực lượng xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục vào các khung giờ có nguy cơ cao xảy ra TNGT, nhất là khung giờ thường xuyên xảy ra các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Qua công tác tuần tra kiểm soát, sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông để tạo sức răn đe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của người tham gia giao thông.
Qua tuần tra kiểm soát, chúng tôi cũng phải phát hiện những khó khăn, bất cập trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, xử lý vi phạm giao thông nói chung, vi phạm nồng độ cồn nói riêng để có kiến nghị, đề xuất giải pháp.
Trên đường bộ, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ thông tin, các biện pháp khoa học nghiệp vụ để phát hiện 1 cách chính xác và nhanh nhất các hành vi vi phạm liên quan tới nồng độ cồn và cả các hành vi vi phạm giao thông khác. Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động, kết hợp tại 1 điểm, nhiều điểm, hoá trang, mật phục… để phát hiện hành vi vi phạm giao thông.
Trên đường sắt, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với chính quyền, công an địa phương và ngành đường sắt kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến trật tư ATGT đường sắt; kiểm tra quy trình tác nghiệp của nhân viên đường sắt cũng như kiểm tra nồng độ cồn của nhân viên đường sắt.
Trên đường thuỷ, chúng tôi sẽ tổ chức tuần tra trên các tuyến trọng điểm, phức tạp, tập trung kiểm tra tại các bến xuất phát, kiên quyết đình chỉ các tàu/thuyền không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn giao thông đường thuỷ.
Trường hợp nào cố tình chống đối, cản trở việc kiểm tra/xử lý của lực lượng chức năng, chúng tôi sẽ củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp tập trung điều tra, đề nghị truy tố xét xử các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện gây ra liên quan đến rượu bia và các chất ma tuý.
15h35
Lực lượng công an xã tham gia xử lý vi phạm nồng độ cồn có hiệu quả?
– Vậy việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong dịp Tết phải chăng chưa mang lại hiệu quả? Thời gian qua, lực lượng công an xã cũng được tham gia xử phạt. Điều này liệu có hiệu quả khi xử lý vi phạm nồng độ cồn?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Như các anh vừa trao đổi, uống rượu bia như một nét văn hoá của người dân Việt Nam. Nhất là ở nông thôn, mối quan hệ trong cộng đồng làng xã rất gần gũi, ràng buộc quan hệ. Nên khi xử lý vi phạm, cũng có thể có sự dễ dãi hơn.
Thực ra, trong xử lý vi phạm không nhất thiết phải là cưỡng chế xử phạt mà còn cả biện pháp tuyên truyền, giáo dục.
Các đồng chí công an xã, cơ sở có lợi thế khi tuyên truyền phổ biến giáo dục, vận động bà con. Khi người dân có ý thức hơn, không cần có bóng dáng lực lượng chức năng vẫn tuân thủ nghiêm thì TNGT chắc chắn sẽ giảm.
15h30
Lái xe vi phạm nồng độ cồn dịp Lễ Tết tăng cao do mọi người cho phép mình được nghỉ ngơi
– Vào mỗi dịp Lễ Tết, vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện lại gia tăng, thực tế này đã kéo dài nhiều năm nhưng chúng ta chưa có giải pháp hữu hiệu. Ông Phạm Việt Cường nhận định thế nào về thực trạng này?
Ông Phạm Việt Cường: Bất kể vấn đề sức khỏe nào hay sử dụng rượu bia cũng liên quan tới xã hội. Cứ đến dịp lễ hội, ta sẽ thấy TNGT, lượng người sử dụng rượu bia đều tăng cao. Vì thời điểm đó, mọi người được cho phép mình nghỉ ngơi. Các dịp liên hoan cuối năm cao nên lượng người sử dụng rượu bia cũng tăng đột biến, khiến số lượng vi phạm cũng tăng lên.
Chưa kể thời điểm đó, thị trường khuyến mại, quảng cáo…. đều khuyến khích mọi người liên hoan và đây là thực trạng.
Các quốc gia đều nhìn thấy vấn đề này và chúng ta cũng có những lần nhấn mạnh về việc này.
Ngoài tăng cường tuần tra, cưỡng chế, chúng ta cũng cần tuyên truyền, nhấn mạnh việc này trong dịp Lễ Tết, đồng thời kêu gọi ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
– Ông Phạm Việt Công có bổ sung gì thêm về thực trạng vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện lại gia tăng vào dịp lễ, tết hay không?
Ông Phạm Việt Công: Tình trạng sử dụng bia rượu tại dịp lễ, Tết cao trong khi tần suất đi lại cũng nhiều hơn ngày thường. Lực lượng chức năng dù có tăng cường, cao điểm nhưng như tôi nói, phạm vi phủ sóng cũng không thể hết được. Rất cần người dân có ý thức, có trách nhiệm với bản thân và xã hội; cũng như cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ cần gắn trách nhiệm, có nhận xét phê bình tại cơ quan và nơi cư trú với người vi phạm nồng độ cồn.
Pháp luật không cấm uống rượu bia nhưng đến lúc nào đó cũng cần có biện pháp hạn chế, đưa vào nội quy quy định của đơn vị về sử dụng rượu bia. Có rất nhiều chỉ thị, quy định rồi, nhưng quan trọng là hậu kiểm, kiểm soát, gắn trách nhiệm như thế nào.
15h25
Có 305 vụ tai nạn nghiêm trọng, 642 người tử vong trong 11 tháng qua
– Xin hỏi Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, thống kê về TNGT do nồng độ cồn trong 11 tháng đầu năm 2022, có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng hay không? Vì sao?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 11 tháng đầu năm 2022, các vụ TNGT rất nghiêm trọng trở lên là 305 vụ, chiếm 2,98% trong tổng số vụ, làm chết 642 người.
Trong đó, TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 25/305 vụ, làm chết 82 người, làm 40 người bị thương.
Phân tích các vụ TNGT từ rất nghiêm trọng trở lên, TNGT có liên quan đến nồng độ cồn là 11/305 vụ (chiếm 3,6%) làm 24 người chết, 14 người bị thương.
So với thời điểm năm 2019, trước khi có dịch Covid-19, các vụ từ rất nghiêm trọng trở lên đã giảm cả 3 tiêu chí: 13,59 % về số vụ và 2,95% về số người chết; giảm 46,31% về số người bị thương.
15h20
Nhiều người vẫn tự lái xe sau khi uống rượu bia, ít đi phương tiện công cộng
– Người dân vẫn sử dụng nhiều phương tiện cá nhân mà ít lựa chọn phương tiện công cộng sau khi uống rượu bia. PGS TS Phạm Việt Cường, ông nghĩ gì về điều này?
PGS TS Phạm Việt Cường: Chúng ta có 2 việc. Pháp luật của ta không cấm sử dụng rượu bia, chỉ cấm sau khi sử dụng rượu bia vẫn lái xe.
Tôi đồng tình với anh Công rằng việc kiểm soát sử dụng rượu bia ở Việt Nam rất lỏng lẻo, mua rất dễ, uống lúc nào cũng được. Nhiều người cứ hết giờ làm là ra quán nhậu. Uống bia xong lại lên xe máy, ra ô tô lái về. Không phải lần nào uống rượu bia cũng gây ra tai nạn nên người lái xe nhiều khi chưa nhận thức hết hậu quả.
– Liệu có phải chúng ta chưa có hệ thống công cộng đầy đủ để người dân lựa chọn sử dụng sau khi sử dụng rượu bia?
PGS TS Phạm Việt Cường: Theo tôi, không có quốc gia nào ưu tiên có phương tiện sẵn sàng để hỗ trợ người sử dụng rượu bia đi lại. Đây là trách nhiệm của chính mỗi người. Anh lựa chọn thuê lái xe hay nhờ người đưa về là việc của từng người. Chỉ có những nhà hàng, quán ăn có dịch vụ thêm cho khách hàng thì họ tự thực hiện thôi.
15h10
Chế tài xử phạt hành vi lái xe khi đã uống rượu bia vẫn chưa đủ tính răn đe
– Dù mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn được tăng rất nặng, hiện tượng “ma men” sau tay lái đã có một đoạn thời gian giảm bớt. Nhưng thời gian qua, vi phạm này lại tái diễn liên tục ở nhiều địa phương và đã có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng như tài xế say rượu lái ô tô đâm vào cây xăng trên đường Láng (Hà Nội). Ông Phạm Việt Công có thể lý giải nguyên nhân của thực trạng này?
Ông Phạm Việt Công: Vi phạm nồng độ cồn như vi phạm gốc và từ đó gây ra nhiều vi phạm khác liên quan tới TNGT.
Quá trình thực hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ngoài việc xử phạt, chúng ta còn có nhiều biện pháp để tuyên truyền, phổ biến đến người dân về việc uống có trách nhiệm. Chúng ta cũng phải tuyên truyền cho người dân rằng uống rượu bia thì khả năng phán đoán tình hình rất kém.
Hiện nay, tình trạng uống rượu bia rồi lái xe vẫn xảy ra vì tỷ trọng người uống rượu bia rất lớn. Ngoài ra, với số lượng tuyến đường và phương tiện cá nhân lớn, việc kiểm soát của lực lượng chức năng với vi phạm này cũng là vấn đề lớn. Bởi không chỉ tại những quán nhậu, nhiều người uống từ nhà, đi từ trong ngõ ra… nên để phát hiện và quản lý, kiểm soát không dễ dàng.
Hiện nay, với vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ngoài sử dụng những phương tiện đo nồng độ cồn, phạt nguội… thì chế tài xử phạt hành vi này của chúng ta vẫn chưa đủ tính răn đe.
Ý thức của một số người dân hiện nay vẫn coi thường pháp luật. Dù biết hậu quả khi uống rượu bia rồi lái xe, nhưng họ vẫn thực hiện và chúng tôi sẽ nghiên cứu các chế tài cao hơn, có thể có các hình phạt bổ sung mạnh hơn để đủ tính răn đe.
Ngoài ra, đầu vào của chúng ta vẫn chưa có nhiều chế tài để siết chặt. Nhiều quốc gia có quy định lứa tuổi, khu vực được phép bán, giờ mở cửa…. đối với mặt hàng rượu bia. Chế tài của chúng ta hiện nay vẫn chỉ phạt tiền và một số phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe khi phát hiện hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện.
15h
Nhiều người vi phạm có hành vi chống đối
– Trong quá trình lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn, có gặp khó khăn gì về phương thức và từ phía người vi phạm?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch gặp rất nhiều khó khăn vì tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
Thời điểm đó, công an địa phương đang tập trung vào phòng chống dịch nên kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn chưa cao.
Hiện nay tình hình dịch bệnh đã tiến triển, công tác tuần tra kiểm soát đang được các địa phương tăng cường, tập trung tối đa phương tiện, nhân lực. Song, tại một số địa phương, công tác này chưa tương ứng với tình hình thực tế, do đó, kết quả xử lý vi phạm chưa cao.
Nguyên nhân là do một số địa phương chưa chủ động điều tra, bám sát địa bàn ăn uống, chưa thay đổi phương pháp tuần tra.
Hơn nữa, cũng có nhiều người tham gia giao thông có hành vi chống đối lực lượng chức năng.
14h30
Vì sao TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do nồng độ cồn chiếm tỷ lệ cao?
Đúng 14h30, Tọa đàm bắt đầu và dự kiến kéo dài khoảng 1 giờ.
Mở đầu tọa đàm, người điều phối chương trình – Nhà báo Trần Duy gửi đến PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng câu hỏi: “Ông đánh giá thế nào về thực trạng vi phạm nồng độ cồn hiện nay? Việc uống rượu bia lái xe gây nguy hiểm thế nào đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông?”.
PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng: Một trong những nguyên nhân gây TNGT trầm trọng là uống, sử dụng rượu bia khi lái xe. Ở Việt Nam, tình trạng này kéo dài khá lâu.
Các kết quả nghiên cứu, theo dõi, đánh giá của lực lượng chức năng cho thấy, tỉ lệ vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện rất cao.
Chúng ta đã có Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 và Nghị định 100 năm 2000, các quy định này đã làm thay đổi hành vi của khá nhiều lái xe, tỉ lệ sử dụng rượu bia đã giảm bớt, cho thấy một số dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, qua các đánh giá nghiên cứu của chúng tôi, cho tới hiện nay, có 2 điểm vẫn còn phức tạp: Việc sử dụng rượu bia của Việt Nam thực ra không thay đổi nhiều sau khi có luật; Tỉ lệ sử dụng rượu bia trên thị trường vẫn nhiều. Nhiều người uống vẫn tham gia giao thông, sử dụng các phương tiện khác.
Qua nhiều nghiên cứu đánh giá sau đại dịch Covid-19, tỉ lệ sử dụng rượu bia và sau đó lái xe khá cao, khoảng 15% đến 20%. Đây là hành vi rất nguy hiểm, nhất là việc lái xe khi vừa sử dụng rượu bia. Cồn trong rượu bia tác động lên hệ thần kinh, làm cho việc điều khiển xe và phán đoán trên đường không tốt như trước, gây ra nguy cơ va chạm, tai nạn cho chính bản thân người lái và những người tham gia giao thông.
– Ở góc độ những người làm công tác đảm bảo trật tự ATGT, ông Công chia sẻ về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Việt Công, Phó chánh VP Uỷ ban ATGT Quốc gia: Đây là thực trạng liên quan đến văn hoá của Việt Nam. Tỷ lệ người sử dụng rượu bia rất nhiều, trong khi mọi người sử dụng phương tiện cá nhân cũng rất nhiều.
Dù chúng ta đã có luật, chế tài xử phạt cao và lực lượng chức năng cũng xử phạt số lượng vi phạm nồng độ cồn tương đối lớn nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.
Ba trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên gồm:
Thứ nhất, số lượng người sử dụng rượu bia rất nhiều và thực tế, đa số mọi người di chuyển đều sử dụng phương tiện cá nhân.
Thứ hai, người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện không tỉnh táo; chất cồn khiến con người hưng phấn và còn thực hiện những hành vi khác, có những trường hợp không làm chủ được khả năng điều khiến phương tiện.
Thứ ba, lực lượng công an thực hiện nhiều chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn nhưng tỷ lệ tài xế uống rượu bia lái xe tham gia giao thông vẫn cao. Trong khi đó, lực lượng chức năng không thể “phủ sóng” hết mọi tuyến đường, không thể xử lý hết mọi vi phạm.
Việc này còn liên quan đến các cơ quan, đơn vị quản lý con người và các khu dân cư, mức độ quản lý và tuyên truyền vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều chế tài xử phạt.
Do đó, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện vẫn diễn ra nhiều và vẫn nghiêm trọng như chúng ta đang bàn.
– Theo kế hoạch của Bộ Công an, từ ngày 1/3/2022, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ thực hiện chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy trong cả năm 2022. Đến nay, kết quả thực hiện thế nào? So với năm trước, vi phạm nồng độ cồn tăng hay giảm?
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Thực hiện kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT của CSGT cũng như kế hoạch chuyên đề kiểm soát vi phạm nồng độ cồn và ma túy, kết quả cho thấy công tác đảm bảo trật tự ATGT nhìn chung được bảo đảm, TNGT giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, vi phạm liên quan nồng độ cồn tăng đột biến. 11 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày, CSGT toàn quốc đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. 11 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT xử lý hơn 2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT nói chung, trong đó hơn 295 nghìn trường hợp vi phạm liên quan nồng độ cồn, chiếm 11,36%.
So với năm 2019, hành vi bị xử phạt liên quan đến nồng độ cồn tăng cao. Nhưng rất vui mừng là tai nạn liên quan đến nồng độ cồn giảm.
Buổi tọa đàm trực tuyến được tổ chức vào 14h30 ngày 9/12 tại trụ sở Báo Giao thông.
Thời gian qua, tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã nỗ lực kéo giảm TNGT nhưng hàng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm nay, TNGT đã cướp đi sinh mạng gần 6.000 người.
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, có 5 nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến TNGT bao gồm: Vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn và sử dụng điện thoại di động khi lái xe.
Thực tế, đã có nhiều vụ TNGT thương tâm có nguyên nhân từ vi phạm nồng độ cồn đã xảy ra. Trong một nghiên cứu của nhóm chuyên gia WHO và Y tế tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ các vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan tới vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam vào khoảng 36%, vào các dịp lễ, Tết, tỷ lệ này tăng lên khoảng 60%.
Tai nạn giao thông để lại hậu quả nặng nề cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân và xã hội. Mặc dù chế tài xử phạt đã tăng nặng, nhiều lần ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nhưng việc lạm dụng đồ uống có cồn, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định vẫn diễn biến phức tạp.
Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm 2023 đang đến gần, tình trạng tài xế uống rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông lại là vấn đề đáng lo ngại.
Báo Giao thông tổ chức buổi toạ đàm: “Cách nào ngăn ma men lái xe dịp cuối năm” nhằm tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa người điều khiển phương tiện sử dụng đồ uống có cồn tham gia giao thông.
Khách mời tham gia tọa đàm:
1. Ông Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia
2. PGS. TS Phạm Việt Cường, Đại học Y tế công cộng
3. Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Điều tra và giải quyết TNGT, Cục CSGT, Bộ Công an
Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền lên 2-3 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mà giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Bộ Công an vừa có dự thảo mới nhất quy định xử phạt vi phạm hành …
Nhiều vụ TNGT đường bộ liên quan đến xe máy và ô tô ở nút giao đồng mức tại Quảng Ngãi dẫn đến chết người, thương tích, thiệt hại về tài sản và lo lắng cho người dân. Vì sao lại xảy ra xung đột, tai nạn giao thông ở các nút giao không có …
Lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý học sinh, phụ huynh, người giám hộ, người giao phương tiện cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện. Ngày 27/9, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, thời gian qua tình trạng học sinh vi phạm pháp luật …
Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tuyến tỉnh lộ ở Quảng Ngãi thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô …
Tại Đắk Nông, mô hình “Cổng trường an toàn” đang góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giúp học sinh, phụ huynh giảm nỗi lo tai nạn giao thông. Cổng trường an toàn, giảm nỗi lo tai nạn Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 164 trường học thực hiện …