Chạy đường đèo, tài xế cần rèn những kỹ năng gì?
Từ tháng 5/2023, CSGT Lâm Đồng lắp đặt 18 camera phạt nguội trên QL20 qua đèo Bảo Lộc, TNGT không còn xảy ra TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, thông qua camera phát hiện tài xế thiếu nhiều kỹ năng chạy đường đèo
Hiệu quả từ camera phạt nguội trên đèo Bảo Lộc
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Lâm Đồng, từ tháng 5/2023 trên đèo đèo Bảo Lộc không để xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng, nhờ việc đưa 18 mắt camera phạt nguội được lắp trên các đoạn đường tiềm ẩn TNGT trên đèo Bảo Lộc.
Trước đó, trong 10 năm từ năm 2013 đến 2022 đoạn QL20 qua đèo Bảo Lộc đã xảy ra 7 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, làm 14 người tử vong.
Nhiều khúc cua ở Km97, Km98, Km101 và Km103 là những “điểm đen” thường xuyên xảy ra TNGT, nhẹ thì va chạm, lật xe làm người bị thương, phương tiện hư hỏng, nặng thì xe lao xuống vực, tông vào vách núi, gây tai nạn liên hoàn, các phương tiện đâm nhau trực diện, gây chết người.
Năm 2022, cũng đã xảy ra đến 4 vụ TNGT nghiêm trọng. Đơn cử, Vụ TNGT nghiêm trọng trên xảy ra vào ngày 30/4/2022, trên tuyến đèo Bảo Lộc.
Ba xe máy đang lưu thông trên đèo Bảo Lộc theo hướng Thành phố Hồ Chí Minh đi thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng). Khi lên gần hết đèo Bảo Lộc, bất ngờ một xe máy xảy ra va chạm với chiếc xe ô tô 7 chỗ đang đi phía trước.
Sau khi va chạm với xe ô tô, chiếc xe máy này ngã ra đường khiến 2 xe máy đang di chuyển ngay phía sau cùng ngã ra đường. Cùng lúc đó, chiếc xe tải BKS 63C-151.90 (chưa rõ danh tính tài xế) di chuyển ngay phía sau không kịp xử lý, cuốn cả 3 xe máy vào gầm. Hậu quả vụ tai nạn khiến 2 người đi trên xe máy tử vong.
Theo Trạm CSGT Madagui, hình ảnh các phương tiện vi phạm gây mất ATGT trên đèo Bảo Lộc sẽ nhanh chóng được gửi đến CSGT Trạm Madagui và công an các địa phương phối hợp xử lý nghiêm theo quy định.
Cùng với đó, hệ thống camera này còn có chức năng giám sát đảm bảo an ninh trật tự trên đèo Bảo Lộc nói riêng và QL20 nói chung. Tuy nhiên, từ khi lắp camera, CSGT đã phát hiện cánh tài xế thiếu nhiều kỹ năng lái xe, như thường phóng nhanh, vượt ẩu, không về số thấp, chủ quan…
5 kỹ năng an toàn khi lái xe qua đèo Bảo Lộc
Ông Trần Văn Khoa, Phó trưởng Văn phòng QLĐB IV.1 cho biết: “Đường đèo dốc thường có những khúc cua gấp, hẹp và tầm nhìn hạn chế khiến việc lái xe qua những khu vực này ẩn chứa rất nhiều rủi ro tai nạn. Thông thường, ở những đoạn đường đèo hẹp, sẽ được cắm một số biển cảnh báo nguy hiểm, biển “cấm vượt” và có vạch sơn liền chia hai làn xe ngược chiều. Thế nhưng, không ít trường hợp, lái xe “non tay” khi tham gia lưu thông ở đường đèo dốc đã vượt ẩu gây bức xúc trong cộng đồng”.
Vì vậy, lái xe phải luôn đi số thấp. Nguyên tắc lái xe đường đèo dốc là “lên số nào, xuống số ấy”. Khi xuống dốc, nếu “thả trôi”, dùng phanh quá nhiều sẽ khiến phanh xe bị mòn rất nhanh, có thể cháy phanh và mất phanh. Do đó, khi xuống dốc, lái xe cần sử dụng số thấp, sử dụng khả năng hãm tốc độ của động cơ.
Áp dụng nguyên tắc “tiến bám lưng, lùi bám bụng”. Tại những đoạn đường cua “tay áo”, hãy mở rộng vòng cua theo nguyên tắc “tiến bám lưng”, có nghĩa là bánh xe phía trước sát lề đường trong trường hợp rẽ trái và sát vạch kẻ tim đường trong trường hợp rẽ phải.
Điều này không chỉ giúp chiếc xe có được một góc lên/xuống dốc nhỏ hơn mà quan trọng là giúp các bánh xe phía sau không bị hụt ra rìa đường khi gặp đoạn đường cua gấp. Đây là nguyên tắc cơ bản nhưng rất hiệu quả, nhất là các xe có trục cơ sở dài.
Chạy “bám đuôi” trên đèo. Trên những đoạn đèo dài và hẹp, việc chạy “bám đuôi” sau một chiếc xe khác là điều rất thuận lợi, bạn đừng sốt ruột vì điều ấy. Chiếc xe chạy ngay phía trước như một “hoa tiêu” dẫn đường, giúp lái xe nhìn thấy trước được độ dốc, góc cua, chướng ngại vật,… qua đó xử lý tình huống bằng cách sử dụng ga, phanh, số cho phù hợp.
Tuy vậy, không nên chạy quá sát xe phía trước mà vẫn phải có khoảng cách an toàn, phòng trường hợp chiếc xe này phanh gấp.
Chỉ vượt khi đủ điều kiện an toàn. Trong trường hợp phải vượt xe, cần chú ý quan sát thật kỹ. Nên vượt ở đoạn đường thẳng, bằng phẳng và không có xe ngược chiều. Không được vượt ở đoạn đường cong, khuất tầm nhìn và những đoạn đường quá dốc.
Đồng thời, trước khi vượt cần ra tín hiệu (còi, đèn) cho xe phía trước. Tuyệt đối không được cố vượt khi xe trước ra tín hiệu không cho vượt vì có thể lái xe phía trước đã nhìn thấy sự nguy hiểm và ngăn bạn vượt lên.
Dừng đỗ nơi thực sự an toàn. Trên đường đèo dốc, lái xe nên hạn chế tối đa việc dừng xe lại bên đường. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt buộc phải dừng, bạn nên chọn một nơi phù hợp và đủ an toàn.
Lý tưởng nhất là khu vực có lề đường rộng, bằng phẳng và không bị khuất tầm nhìn. Nếu buộc phải dừng trên đoạn đường dốc, ngoài kéo phanh tay nên chặn xe bằng gỗ hoặc gạch đá để tránh bị trôi xe.
Văn Tư