Đề xuất bỏ tù, đa dạng hình thức xử phạt ngăn “ma men” lái xe

Dù chế tài đối với hành vi uống rượu, bia lái xe hiện nay đã khá nghiêm khắc, song trên thực tế vẫn xảy ra rất nhiều vụ TNGT liên quan đến rượu, bia. Các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều giải pháp để ngăn ngừa.

TNGT do rượu bia vẫn diễn biến phức tạp

Khoảng 16h ngày 12/11, ô tô BKS 51K-020.07 do tài xế Phạm Cao Trí điều khiển chạy trên đường Nguyễn Văn Tăng, khi đến giao lộ với đường số 15 (thuộc phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức) đã va chạm vào bên trái một ô tô khác chạy hướng ngược lại.

Ô tô do tài xế Trí tiếp tục lao qua làn đường ngược lại, đâm trực diện vào đầu một taxi rồi đâm tiếp vào hai xe máy trước khi lao lên vỉa hè, húc sập tường nhà dân.

Hậu quả vụ tai nạn khiến một cô gái 18 tuổi tử vong, hai người khác bị thương.

Trước đó, khoảng 16h20 ngày 5/11, tài xế Trần Duy Hanh điều khiển ô tô BKS 88A-657.09 lưu thông trên tuyến đường thuộc xã Tân Phong (Bắc Ninh) đã đâm vào hai xe máy và một xe đạp điện đi cùng chiều khiến một người đàn ông tử vong và ba người bị thương.

Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy tài xế này vi phạm với chỉ số 0,051miligam/lít khí thở.

Hiện trường tài xế vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn liên hoàn khiến cô gái 18 tuổi tử vong ở TP Thủ Đức.

Thời gian qua, với sự ra quân xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ của lực lượng CSGT, TNGT do tài xế say xỉn đã giảm song, số trường hợp vi phạm vẫn còn phức tạp, nhiều vụ chống đối lực lượng chức năng khi kiểm tra nồng độ cồn.

Chỉ tính trong một tuần từ ngày 25 – 31/10, hai tổ công tác của Cục CSGT cùng Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra trên quốc lộ 20 với 13.178 phương tiện đã phát hiện 352 tài xế (32 ô tô, 320 mô tô) vi phạm nồng độ cồn.

Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 44 vụ chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT; trong đó đa số đến từ các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm 2022.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, dự báo, dịp cuối năm, tình hình vi phạm nồng độ cồn sẽ diễn biến ngày càng phức tạp. Theo các chuyên gia, song song với xử nghiêm hành vi vi phạm, tăng cường tuyên truyền cũng nên xem xét ban hành một số quy định khác để tăng tính răn đe đối với các tài xế vi phạm, nâng cao ý thức người dân.

Đề xuất bỏ tù, đa dạng hình thức xử phạt “ma men” lái xe

Đề ngăn ngừa lái xe vi phạm nồng độ cồn, thiếu tá Nguyễn Khánh Ly, Viện Khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân đề xuất bổ sung những quy định như: phạt tù đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn gây TNGT nghiêm trọng theo hướng quy định là một tội danh cụ thể trong Bộ luật Hình sự; áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX); phạt lũy tiến, buộc thi lại GPLX, lao động công ích.

Đồng thời, cho phép CSGT tạm giữ tài xế say xỉn không thể lái xe; triển khai kết nối đồng bộ, chia sẻ dữ liệu về vi phạm, TNGT do vi phạm nồng độ cồn giữa Bộ Công an – Bộ Y tế – Bộ GTVT – Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp dữ liệu về GPLX, lịch sử vi phạm, gây TNGT, trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính… Từ đó đề ra hình thức xử lý, chế độ bảo hiểm, quy định cấp/đổi/tước GPLX đối với mỗi cá nhân.

Trước những đề xuất này, TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho rằng, khi áp dụng sẽ có tác động lớn giúp ngăn tình trạng “ma men” lái xe.

Đồng quan điểm, TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết: Hiện nay. tại Việt Nam mới chỉ quy định xử lý người lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao bằng cách tước bằng lái hai năm, sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện.

Từ đó, bà Huyền cho rằng, cần đa dạng hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Trong đó, có thể quy định xử phạt với mức trên 0,4 miligam/lít khí thở, chia cụ thể thành từng khung (như 0,4 – 0,8 miligam/lít khí thở; 0,8 – 1,2 miligam/lít khí thở và trên 1,2 miligam/lít khí thở).

“Không để tình trạng người uống một cốc bia cùng mức phạt với người uống 10 cốc. Mức xử phạt cần đa dạng hóa hình thức như: Trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến nếu tái phạm… Và nếu lái xe có nồng độ cồn ở mức cao gấp nhiều so với mức kịch khung thì kể cả khi chưa gây ra hậu quả cũng nên xem xét phạt tù”, bà Huyền đề xuất.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức thông tin: Các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm.

“Tôi nghĩ, Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi. Cần xác định rõ lộ trình và từng bước thực hiện để đạt được hiệu quả. Người dân có thể dễ dàng chi vài chục triệu đồng để nộp phạt nếu vi phạm nhưng khi bị bỏ tù, sẽ sợ ngay”, ông Tuấn nói.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. HCM) cũng cho rằng, chế tài xử lý hiện chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

“Cần sửa đổi, bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, quy định trường hợp tước bằng vĩnh viễn hoặc buộc học lại Luật GTĐB, kể cả buộc phải thi cấp bằng mới khi tham gia giao thông mà sử dụng rượu, bia, chất kích thích. Nếu tái phạm nhiều lần thì tước vĩnh viễn”, luật sư Bình nhìn nhận.

Ông Bình cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, nếu vượt qua ngưỡng 240mg/100ml máu (gấp ba lần mức 3 của Việt Nam hiện nay) là bị xử lý rất nặng về hình sự, đây là ngưỡng mà Việt Nam có thể tham khảo.

“Hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả vẫn phải bị xử lý một cách kịp thời, thích đáng và phù hợp với mức độ nguy hiểm. Chúng ta cần ứng xử với những vi phạm đúng với bản chất nguy hiểm của nó trong xã hội”, luật sư Bình nói.

Ngoài ra, ông Bình cho rằng, hiện theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, khi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia, chất kích thích có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Như vậy, pháp luật đang coi hành vi uống rượu, bia điều khiển phương tiện gây hậu quả nghiêm trọng là lỗi vô ý. Trong khi thực tế, người phạm tội nhận thức rõ hành vi uống rượu, bia rồi lái xe có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

“Vì thế, cần sửa đổi, xếp nhóm hành vi trên là lỗi cố ý gián tiếp, công dân phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Bình đề xuất.

Yến Chi

Tin tức

Tin tức

Giám sát chặt thời gian lái xe kinh doanh vận tải, góp phần đảm bảo an toàn

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả quy định giới hạn thời gian làm việc của tài xế xe kinh doanh vận tải, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ Đầu năm 2024, liên tiếp hai vụ tài xế xe khách chạy …

Lái xe lưu ý gì khi đi qua vòng xuyến?

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tỉnh Miền Trung thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô tải và xe …

Dẹp nạn xe khách làm loạn trên đường, ngăn tai nạn

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ xe khách lạng lách, chèn ép nhau trên đường, xô xát giữa nhân viên của nhiều nhà xe. Nguyên nhân phần lớn là do tranh giành khách, tiềm ẩn rủi ro mất ATGT rất cao. Báo động xe khách vi phạm Ngày 4/11, mạng xã hội …

Cẩn trọng khi lưu thông vào điểm mù của xe container

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân đi vào điểm mù xe container, xe tải. Để hạn chế tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là gắn camera tại các vị trí tài xế không thể quan sát. Những cái chết thương tâm …

Đốt rác dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nguy cơ gây tai nạn thảm khốc

Việc đốt rác hai bên đường tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị được giao quản lý tuyến …