Hà Tĩnh: Biến Facebook, Zalo thành diễn đàn tuyên truyền pháp luật ATGT
Chỉ trong vòng 1 tuần, trang Facebook “Công an TP Hà Tĩnh với An toàn giao thông” đã có trên 2.000 người thích và theo dõi.
Chiều 17/8, dù đã muộn, tổ tuyên truyền của Đội CSGT-TT Công an TP Hà Tĩnh vẫn miệt mài trao đổi, rút kinh nghiệm về phóng sự mới đây về ATGT; Đồng thời xây dựng chuyên đề tuyên truyền cho số tiếp theo trên trang Facebook, Zalo “Công an TP Hà Tĩnh với An toàn giao thông”.
“Chuyên đề phóng sự lần này là việc dừng đỗ phương tiện. Nhiều người khi nghe đến dừng đỗ phương tiện thì nghĩ đây là việc đơn giản nhưng trên thực tế hành vi dừng đỗ sai quy định gây cản trở và nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Đỗ xe ở nơi công cộng, đỗ xe của phụ huynh trước cổng các trường học… như thế nào cho đúng là một câu chuyện thú vị mà mọi người nên biết”, Đại úy Nguyễn Xuân Hùng, thành viên tổ tuyên truyền thuyết trình như một MC truyền hình thực thụ.
Theo Đại úy Hùng, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời điểm thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, việc tuyên truyền theo phương thức truyền thống không thể triển khai.
Do đó, sau thời gian xây dựng, ngày 12/8, Công an TP Hà Tĩnh đã ra mắt trang thông tin tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook và Zalo với tên gọi “Công an TP Hà Tĩnh với An toàn giao thông”.
Trang gồm 4 chuyên mục và được cập nhật nội dung hàng ngày như: Kết quả công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn; giới thiệu các quy định mới liên quan đến ATGT; phân tích các hành vi vi phạm xảy ra phổ biến trên địa bàn; trao đổi – hỏi đáp kiến thức pháp luật…
Để tiếp cận độc giả hiệu quả, nội dung tuyên truyền được truyền tải thông qua các hình thức khác nhau như video clip, phóng sự thực tế, tình huống giả định, bài viết, infographic…
Đặc biệt, trang còn là diễn đàn hỏi đáp, trao đổi thắc mắc, phản ánh tình hình vi phạm TTATGT trên địa bàn của người dân đến cơ quan Công an một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Đại úy Nguyễn Xuân Hùng cho biết, phương thức truyền thống đòi hỏi phải tập trung một lượng lớn người. Kết quả phụ thuộc vào nhận thức của người nghe và khả năng thuyết trình, kết nối, tương tác của người tuyên truyền, dễ bị rơi vào khô khan, nhàm chán.
“Tuyên truyền qua mạng xã hội đã khắc phục triệt để những nhược điểm của phương thức truyền thống. Không cần tổ chức sự kiện rầm rộ, trong khi nội dung phong phú, hình thức trực quan sinh động; khả năng tiếp cận vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng nhưng lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là khả năng tương tác không giới hạn”, Đại úy Hùng nói.
“Chỉ trong vòng 1 tuần, trang Facebook “Công an TP Hà Tĩnh với An toàn giao thông” đã có trên 2.000 người thích và theo dõi; mỗi bài viết đều có 15.000 – 20.000 lượt tương tác. Thời gian tới, Đội sẽ phối hợp với các trường học, Tỉnh đoàn và liên kết với các trang chính thống của các tổ chức chính trị – xã hội, lúc đó, lượng tương tác chắc chắn sẽ nhiều hơn và hiệu quả tuyên truyền sẽ nâng cao rõ rệt”, Đại úy Hùng tự tin nói.
Để kiểm chứng kết quả, PV đã ngẫu nhiên trò chuyện với anh Phan Văn Nghĩa (50 tuổi, ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh). Anh Nghĩa chia sẻ: “Qua người thân, tôi biết đến trang Facebook “Công an TP Hà Tĩnh với An toàn giao thông” và nhận thấy những nội dung tuyên truyền rất đơn giản, gần gũi và thiết thực. Tôi thường chia sẻ các bài viết, phóng sự cho con cháu cùng biết và chấp hành. Khi có thắc mắc gì, tôi có thể hỏi, trao đổi trực tiếp luôn với lực lượng Công an”.