Hưng Yên triển khai nhiều giải pháp cụ thể kiềm chế tai nạn giao thông
Trong 2 năm trở lại đây, tai nạn giao thông ở Hưng Yên có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Số vụ TNGT tằng kèm theo đó là số người chết, người bị thương cũng tăng mạnh. Các ngành chức năng tỉnh này đang triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế TNGT.
Tai nạn liên tiếp xảy ra
Khi theo dõi tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở địa bàn tỉnh Hưng Yên, có thể thấy rất rõ, số lượng các vụ TNGT thường gia tăng trong các ngày cuối tuần, đặc biệt là buổi tối. Có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, gây thương tật, thậm chí cướp đi sinh mạng của người dân.
Khoảng 14h20’ chiều Chủ nhật (ngày 30/7) Tạ Minh Khuê (SN 2004, thường trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi) BKS: 89A-197.18 đi trên đường 376 theo chiều từ thị trấn Ân Thi đi Yên Mỹ.
Khi đến Km 11+900 thuộc địa phận thôn Yến Đô, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ lao sang trái đường va chạm với 2 xe đạp do 2 cháu Phạm Quang T (SN 2013) và cháu Phạm Minh H (SN 2012) đều trú tại xã Vân Du, huyện Ân Thi điều khiển. Hậu quả, vụ va chạm đã khiến 2 cháu bé tử vong. Sau khi xảy ra tai nạn, Khuê đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
22h tối cùng ngày, tại tuyến đường thôn Nhạc Miếu, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, xe máy biển kiểm soát Nghệ An 37C1-234.4x, do một thanh niên điều khiển đã xảy ra va chạm với xe máy biển kiểm soát tỉnh Sơn La 26B2-801.8x có hai thanh niên ngồi trên xe. Cú đâm mạnh khiến hai chiếc xe vỡ nát phần đầu, ba nạn nhân cùng ngã xuống đường nằm bất động.
Vụ tai nạn khác xảy ra vào khoảng 20h tối trên tuyến đường qua làng Quế Lâm, xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ. Một người đàn ông trung niên điều khiển xe máy đâm thẳng vào cột điện bên phải đường, rồi ngã xuống đường, chết ngay tại chỗ…
Đó chỉ là những vụ tai nạn điển hình xảy ra liên tiếp thời gian qua trên địa bàn.
Quyết liệt kèm những giải pháp cụ thể
Sau các vụ tai nạn, lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên đều tiến hành điều tra, tìm nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nổi cộm vẫn là việc không chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông.
Trong số các vụ TNGT kể trên thì có 2 vụ, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe, hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Trong đó, Công an huyện Yên Mỹ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Tạ Minh Khuê, người điều khiển phương tiện về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Nguyễn Duy Thành (sinh năm 1993, thường trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, là chủ của xe ô tô BKS: 89A-197.18) về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Là địa bàn có số vụ TNGT tăng trong năm 2023, ông Trần Chu Đức – Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm thẳng thắn chỉ ra rằng: TNGT trên địa bàn gia tăng đến từ 3 yếu tố.
Thứ nhất là tình trạng xe tải hạng nặng “né” trạm thu phí QL5 đi vào đường địa phương dẫn đến hư hỏng hạ tầng và gây mất ATGT. Thứ hai, do người lao động từ địa phương khác tới, chủ yếu là người đồng bào, ý thức chấp hành ATGT chưa tốt, thường xuyên uống rượu bia rồi tham gia giao thông, khi đi đường thì phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… Yếu tố thứ 3 là huyện đang trong giai đoạn phát triển, xây dựng hạ tầng, đường xá, dẫn đến mật độ phương tiện tăng cao. Đường xá vốn đã chật hẹp nay còn chật trội hơn.
Từ các vấn đề chỉ ra, người đứng đầu huyện Văn Lâm cho biết: Trước hết, Ban ATGT huyện đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường kiểm tra, xử lý các vấn đề về ATGT, vì họ là lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng nòng cốt. Cùng đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, báo đài, thậm chí các hội nhóm mạng xã hội, để vừa tuyên truyền, vừa nhắc nhở người dân chấp hành.
Ngoài ra, huyện còn thực hiện nghiêm việc quy trách nhiệm người đứng đầu. Đối với các xã, các cơ quan, đơn vị, nếu cơ quan để cán bộ tham gia giao thông vi phạm, nhất là rượu bia, chất kích thích thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Ngay cả đối với các yếu tố khách quan, nếu để xảy ra nhiều thì vẫn phải bị trừ điểm thi đua, phải chịu trách nhiệm…”
Còn đối với các sở ngành địa phương, sau khi đánh giá kết quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2023, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Hưng Yên đã đã đề ra hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT tuần tra khép kín 24/24, xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, trọng tâm là tiếp tục làm tốt công tác kiểm soát nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Kiểm soát xử lý triệt để các hành vi “cơi nới” thành thùng, xử lý xe quá khổ quá tải; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi…
Tổ chức điều tra, xác định làm rõ nguyên nhân trực tiếp gây TNGT và các nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong công tác quản lý nhà nước và thực thi công vụ trong các vụ TNGT, phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý TNGT chính xác, khách quan, đúng quy định pháp luật.
Đối với Sở GTVT và Sở GD&ĐT, yêu cầu tăng cường các hoạt động tuyên truyền tập trung vào giới trẻ, người lao động ngoại tỉnh, học sinh, sinh viên. Rà soát các bất cập về hạ tầng giao thông, xử lý điểm tiềm ẩn TNGT và đẩy nhanh việc thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Văn Thanh
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Hưng Yên, trong năm 2022, toàn tỉnh này xảy ra 148 vụ, làm chết 108 người, bị thương 121 người. So với cùng kỳ năm 2021: tăng 3 vụ, tăng 3 người chết, tăng 8 người bị thương. 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 158 vụ TNGT, làm chết 100 người, bị thương 102 người. So với cùng kỳ năm 2022, TNGT tăng 62 vụ (+64,6%), tăng 25 người chết (+33,3%), tăng 30 người bị thương (+41,7%). Đây là mức tăng kỷ lục sau nhiều năm liên tục tỉnh này kìm chế, kéo giảm TNGT. |