Khoảng trống quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi

Nhiều vụ TNGT xảy ra khiến trẻ dưới 6 tuổi tử vong thương tâm, tuy nhiên hiện ở Việt Nam vẫn chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ ở độ tuổi này.

Có nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi hay không và vì sao là nội dung của cuộc trao đổi với PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng.

PGS. TS Phạm Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng.

Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em còn thấp

PV: Thưa ông, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một điểm sáng về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi xe mô tô, xe máy. Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều người lại đang đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Việt Cường: Đúng là Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm với người đi mô tô xe máy, với tỷ lệ đội mũ  lớn hơn 90%, thậm chí 95% tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên bên cạnh những cố gắng và kết quả rất lớn từ chính sách bắt buộc đội mũ bảo hiểm, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Theo số liệu của Bộ Y tế thống kê từ 40 -50 bệnh viện lớn trên cả nước, tỷ lệ phần trăm chấn thương sọ não liên quan đến tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Năm 2010 là 17.8%, năm 2011 là 17.3%, năm 2012 là 22.3%, năm 2013 là 25.1% .

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là do người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn hoặc mũ giả mạo mũ bảo hiểm.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, qua quan sát thực tế 2,5 triệu người tham gia giao thông trên toàn quốc thì tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ giả mạo mũ bảo hiểm (mũ lưỡi trai nhựa) khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, 40% tại các thành phố lớn như Hà Nội.

Chính vì vậy, làm thế nào để  người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ là một thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới.

PV: Bên cạnh mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn, việc thực thi chính sách đội mũ bảo hiểm tại Việt Nam còn bất cập nào khác không, thưa ông?

Ông Phạm Việt Cường: Một thực trạng khác rất đáng lo ngại đó là tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe máy còn thấp.

Trong một cuộc khảo sát lớn có quy mô lên tới 100.000 mẫu tại Hà Nội thực hiện năm 2014 cho thấy, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của trẻ em chỉ ở mức 25%.

Sau nhiều chương trình vận động tuyên truyền và đặc biệt là chương trình Giữ trọn ước mơ tặng hai triệu mũ bảo hiểm cho toàn bộ trẻ em vào lớp 1 của Bộ GD ĐT – Honda VN và Ủy ban ATGT Quốc gia, tỷ lệ đội mũ của trẻ em trên 6 tuổi đã được nâng lên đáng kể, có địa phương đạt trên 80%.

Dù vậy vẫn còn một khoảng cách rất xa so với tỷ lệ tuân thủ của người trưởng thành. Rõ ràng trẻ em hoàn toàn không có lỗi trong việc này, mà đây là trách nhiệm của bố mẹ và người chở trẻ em trên mô tô xe máy.

PV: Bên cạnh điểm tối về tỷ lệ trẻ trên 6 tuổi đội mũ còn thấp, hiện nay không ít phụ huynh cũng chủ động trang bị mũ bảo hiểm cho con dưới 6 tuổi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Phạm Việt Cường: Hiện nay, không có quy định yêu cầu trẻ dưới 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy. Tôi cho rằng đây là khoảng trống pháp luật nên được lấp đầy để bảo vệ trẻ khi tham gia giao thông, nhất là khi đây lại là nhóm dễ bị tổn thương nhất nếu so với nhóm trẻ trên 6 tuổi và nhóm người trưởng thành.

Phần lớn các chuyên gia về ATGT trên thế giới khi tới Việt Nam đều kinh ngạc, thậm chí “lắc đầu” vì không hiểu vì sao Việt Nam lại chưa có quy định này.

Thực tế với những đặc thù về kinh tế xã hội và hệ thống kết cấu hạ tầng có rất nhiều ngõ ngách nhỏ, xe máy đã, đang và sẽ tiếp tục là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, ít nhất trong thời gian tới.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, phần lớn hộ gia đình có từ một – hai ô tô hiện nay vẫn sở hữu ít nhất một xe máy, bởi ô tô không thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu đi lại của họ.

Như vậy, rõ ràng, dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế là phần lớn trẻ em dưới 6 tuổi tại Việt Nam vẫn đang được chở bằng xe mô tô, xe máy. Do đó, mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong những vấn đề rất đặc thù mà Việt Nam phải giải quyết.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi khi đi xe mô tô, xe máy trong khi đây là lứa tuổi dễ tổn thương nhất

PV: Như ông phân tích, rõ ràng mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi rất cần thiết, vậy tại sao chưa có quy định này, thưa ông?

Ông Phạm Việt Cường: Đây là câu hỏi tôi từng đặt ra và đã đi tìm câu trả lời thông qua những chuyên gia, những người làm chính sách về mũ bảo hiểm trước đây. Qua đó, tôi được biết, vào năm 2007, khi Việt Nam bắt đầu thực thi đội mũ bảo hiểm, một bác sỹ đã phát biểu: “trẻ dưới 3 tuổi xương cổ mềm, đội mũ bảo hiểm sẽ rất nguy hiểm”.

Câu nói này có lẽ khá hiển nhiên với trường hợp trẻ quá nhỏ lại phải đội mũ bảo hiểm dành cho người lớn rất to và nặng, nhưng không đúng với mũ chuyên dụng cho trẻ em.

Có lẽ, vào thời điểm đó, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm với mũ bảo hiểm của người lớn, nên không còn thời gian quan tâm tới mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, câu phát biểu trên vì không được giải thích đầy đủ cặn kẽ với truyền thông, đã dẫn đến những hiểu lầm vô cùng tai hại. Nó làm cho công chúng và những người làm chính sách hiểu và làm theo hướng: trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm.

Đây là một nhận thức hoàn toàn không đúng, không có căn cứ khoa học. Ngay cả một chiếc mũ xốp nhẹ với trọng lượng và kết cấu hợp lý cho trẻ em chắc chắn sẽ an toàn hơn việc không đội gì khi ngồi trên xe máy.

Sau này trong nhiều sự kiện có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia y tế trong nước và quốc tế về an toàn giao thông, phòng chống thương tích của Việt Nam và thế giới, các chuyên gia ATGT có trực tiếp nêu lại vấn đề này. Và không có bác sỹ hay chuyên gia y tế nào nói trẻ em dưới 6 tuổi khi đi xe mô tô, xe máy không cần đội mũ bảo hiểm.

Ngược lại họ luôn khẳng định cần có nghiên cứu bài bản nhằm bảo đảm mũ được chuẩn hóa với từng độ tuổi của trẻ, phù hợp về kết cấu, vật liệu, kích thước và trọng lượng đối với trẻ.

Nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới cũng chỉ rõ việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ từ 3 – 6 tuổi làm giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não tới gần 70% và giảm nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng đến gần 80% nếu không may xảy ra TNGT.

Như vậy, chúng ta đang nhận thức sai lầm cho rằng, trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy, trong khi đó, để bảo vệ trẻ khỏi thương vong do TNGT, quy định đội mũ cho trẻ dưới 6 tuổi là cần thiết.

PV: Như ông nói, cần chuẩn hoá mũ bảo hiểm phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Điều này các nước trên thế giới thực hiện ra sao? Việt Nam có thể học hỏi được gì, thưa ông?

Ông Phạm Việt Cường: Tại nhiều quốc gia phát triển không có tiêu chuẩn, quy chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ em dưới 6 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe máy. Bởi pháp luật cấm trẻ dưới 10 tuổi hoặc dưới 14 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe máy vì hành vi này quá nguy hiểm.

Vì đã cấm nên đương nhiên không có các tiêu chuẩn, quy chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ em.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân và trong nhiều trường hợp là phương tiện đi lại duy nhất của nhiều hộ gia đình. Do đó, chúng ta không thể cấm việc trẻ em tham gia giao thông cùng người lớn trên phương tiện này.

Luật Giao thông đường bộ 2008 đang có hiệu lực cũng như Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng Nghị định quy định về mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm lại loại trừ trẻ dưới 6 tuổi.

Do không bị phạt nên nhiều bậc phụ huynh, người lớn chở trẻ dưới 6 tuổi không có ý thức đội mũ bảo hiểm cho con, cháu mình trong khi đây là nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các cơ quan chức năng nên sớm ban hành quy chuẩn mũ bảo hiểm với trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời bổ sung quy định xử phạt nếu không đội mũ cho trẻ dưới 6 tuổi, duy trì quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn với tất cả người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và hoàn thiện quy định làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan có liên quan tới sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho người đi xe máy, xe đạp trên thị trường.

Đồng thời có thể mở rộng nghiên cứu các quy định về tốc độ cũng như các kết cấu ghế được chuẩn hoá khi chở trẻ em dưới 6 tuổi trên xe máy.

Chỉ khi có quy định thì mới có thể xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tổ chức tuyên truyền và cưỡng chế thực thi.

Lấy bài học của Ấn Độ – quốc gia cũng có nhiều xe máy, ngoài việc yêu cầu phải thắt dây an toàn cho trẻ, người ta còn hạn chế tốc độ của phương tiện, số lượng trẻ em chở trên xe máy, đặc biệt ở những khu vực nông thôn nơi giao thông thông thoáng.

Hiện nay có thể thấy, khi quy định chưa ban hành, không ít người dân, phụ huynh đang “tự cứu mình”, “tự cứu con mình” bằng việc mua các loại mũ mềm cho trẻ dưới 6 tuổi để sử dụng cho con, cháu khi đi trên xe mô tô, xe máy.

Cảm ơn ông!

 “Khi tai nạn xảy ra, trẻ em ngồi trên xe máy có thể rơi xuống đường từ độ cao khoảng hơn 1m với tốc độ 19km/h. Va chạm mạnh với mặt đường có thể gây tử vong ngay lập tức hoặc tổn thương nghiêm trọng đến não nếu trẻ không đội mũ bảo hiểm” – PGS.TS Nguyễn Đức Chính – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Yến Chi

(thực hiện)

 

Tin tức

Tin tức

Lái xe lưu ý gì khi đi qua vòng xuyến?

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tỉnh Miền Trung thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô tải và xe …

Dẹp nạn xe khách làm loạn trên đường, ngăn tai nạn

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ xe khách lạng lách, chèn ép nhau trên đường, xô xát giữa nhân viên của nhiều nhà xe. Nguyên nhân phần lớn là do tranh giành khách, tiềm ẩn rủi ro mất ATGT rất cao. Báo động xe khách vi phạm Ngày 4/11, mạng xã hội …

Cẩn trọng khi lưu thông vào điểm mù của xe container

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân đi vào điểm mù xe container, xe tải. Để hạn chế tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là gắn camera tại các vị trí tài xế không thể quan sát. Những cái chết thương tâm …

Đốt rác dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nguy cơ gây tai nạn thảm khốc

Việc đốt rác hai bên đường tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị được giao quản lý tuyến …

Tài xế ngủ gật – nguyên nhân hàng loạt vụ tai nạn

Việc ứng dụng công nghệ, bổ sung tính năng, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật. Hàng loạt vụ tai nạn do tài xế ngủ gật Ngày 28/3, bà Bùi Thị M (SN …