Sớm ban hành quy chuẩn thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ ngày 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi ngồi trên xe ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp.

Trên thế giới hiện đã xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, tại Việt Nam, hiện Bộ GTVT cũng đang khẩn trương xây dựng nội dung này.

Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô cần học hỏi kinh nghiệm thế giới ra sao, lưu ý điều gì để phù hợp với thực tế tình hình tại Việt Nam là nội dung của cuộc trao đổi với PGS. TS Lý Hùng Anh, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM.

Hai tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô thế giới áp dụng

PGS. TS Lý Hùng Anh, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM.

PV: Thưa ông, theo Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu WHO đến nay, đã có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Hiện trên thế giới đang có những tiêu chuẩn kỹ thuật nào cho thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô?

PGS. TS Lý Hùng Anh: Hiện nay, trên thế giới có hai bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, gồm: Tiêu chuẩn kỹ thuật số 44 của Uỷ ban Kinh tế châu Âu (hay còn gọi là UN R44) đã được áp dụng trong hơn 30 năm qua, bản mới nhất là bản sửa đổi lần 3, cập nhật lần 11 được ban hành  ngày 6/7/2021.

Tiêu chuẩn này được Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) đưa ra với mục tiêu cải thiện an toàn cho trẻ em ngồi trong ô tô, trong đó, đề ra các tiêu chuẩn thiết kế, kiểm tra và phân loại ghế ngồi dành cho trẻ em dựa trên cân nặng.

Tiêu chuẩn này được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. UN R44 đặt tiêu chuẩn kiểm tra va chạm trực diện và va chạm phía sau để đánh giá mức độ bảo vệ của ghế đối với trẻ em.

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô theo tiêu chuẩn này được phân loại theo cân nặng của trẻ em thành 5 nhóm: Nhóm 0 dành cho trẻ em có cân nặng dưới 10 kg; Nhóm 0+ dành cho trẻ em có cân nặng dưới 13 kg; Nhóm I dành cho trẻ em có cân nặng từ 9 kg đến 18 kg; Nhóm II dành cho trẻ em có cân nặng từ 15 kg đến 25 kg; Nhóm III dành cho trẻ em có cân nặng từ 22 kg đến 36 kg.

Trong đó, thiết bị nhóm 0 và 0+ phải quay về phía sau. Các nhóm 0, 0+ và 1 phải được trang bị hệ thống dây đai tích hợp hoặc tấm chắn tác động (chỉ dành cho nhóm I). Trong các nhóm II và III, trẻ được giữ bằng dây an toàn của xe. ISOFIX để kết nối ghế trẻ em với xe được áp dụng cho các nhóm từ 0 đến I.

Ngoài ra, ghế trẻ em sử dụng ISOFIX được chia thành 7 loại kích thước ISOFIX, gồm: ISO/F3: Ghế trẻ em đủ chiều cao kiểu quay về phía trước; ISO/F2: Ghế trẻ em đủ chiều cao kiểu quay về phía trước; ISO/F2X: Ghế trẻ em giảm chiều cao kiểu quay về phía trước; ISO/R3: Ghế trẻ em đủ chiều cao kiểu quay về phía sau; ISO/R2: Ghế trẻ em giảm chiều cao kiểu quay về phía sau; ISO/R1: Ghế trẻ sơ sinh kiểu quay về phía sau; ISO/L1: Nôi trẻ em kiểu nằm nghiêng, quay về bên trái; ISO/L2: Nôi trẻ em kiểu nằm nghiêng, quay về phải.

Bên cạnh UN R44, trên thế giới cũng đang áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật số 129  của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên Hợp Quốc (hay còn gọi là UN R129). Đây là quy định mới về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, được sử dụng để thay thế tiêu chuẩn UN R44.

Tiêu chuẩn UN R129 đưa ra hệ thống cải tiến mang tên “i-Size”. Hệ thống ghế an toàn trẻ em ISOFIX toàn diện tích hợp (i-Size) là một loại ghế an toàn trẻ em được sử dụng ở mọi vị trí ngồi i-Size của xe, giúp nâng cao tính an toàn cho trẻ trên ô tô.

Khác với UN R44 phân loại thiết bị an toàn theo cân nặng, UN R129 phân loại theo chiều cao, dễ dàng lựa chọn hơn, nhằm cải thiện việc sử dụng sai loại ghế cũng như sai cách lắp ghế làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ trẻ nhỏ.

Bên cạnh yêu cầu kiểm tra thiết bị bảo vệ trực diện và từ phía sau như ở tiêu chuẩn UN R44, tiêu chuẩn UN R129 bảo đảm an toàn hơn cho trẻ em khi yêu cầu thiết bị bảo vệ trong va chạm cạnh bên.

Theo UN R129, ghế cho trẻ dưới 15 tháng tuổi phải quay về phía sau nhằm tăng tính bảo vệ đầu và cổ cho trẻ do trẻ nhỏ có cơ ở cổ còn yếu và tỷ lệ kích thước đầu so với kích thước cơ thể lớn. Dây an toàn kết nối trực tiếp với xe ô tô sẽ không còn được sử dụng để giữ thiết bị an toàn cho trẻ, thay vào đó là ISOFIX. Điều này làm giảm nguy cơ ghế được lắp không đúng cách trong xe.

Bên cạnh đó, các thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đạt chuẩn UN R129 sẽ phải được thử nghiệm các bài kiểm tra an toàn với yêu cầu tiêu chí khắt khe hơn và sử dụng các hình nộm thế hệ mới mô phỏng chính xác hơn tác động thực tế của va chạm lên cơ thể của trẻ em so với các bài kiểm tra an toàn và hình nộm của tiêu chuẩn UN R44.

Hiện nay trên thế giới đang áp dụng 2 tiêu chuẩn kỹ thuật UN R44 và UN R129 về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô

PV: Vâng, hiện các quốc gia trên thế giới đang áp dụng các tiêu chuẩn trên ra sao, thưa ông?

PGS. TS Lý Hùng Anh: Ở các quốc gia trong khối liên minh châu Âu, xe ô tô phải được trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em có chiều cao dưới 135 cm hoặc 150 cm (tùy thuộc luật ở vào từng quốc gia).

Thiết bị này phải được phê chuẩn theo tiêu chuẩn UN R44 hoặc UN R129 của Ủy ban Kinh tế Châu Âu của Liên Hợp Quốc. Hiện nay, các nước Châu Âu đã dần chuyển sang sử dụng tiêu chuẩn UN R129 thay vì UN R44.

Từ năm 2023, châu Âu đã cấm sản xuất và nhập khẩu thiết bị an toàn  theo tiêu chuẩn UN R44. Từ ngày 1/9/2024, thiết bị an toàn trên ô tô mới đạt tiêu chuẩn R44 đã không còn được phép bán ra thị trường, chỉ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn R129 được phép lưu hành. Tuy nhiên, thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em đạt chuẩn R44 vẫn có thể tiếp tục sử dụng và người dùng không bắt buộc phải thay thế bằng ghế mới.

Ở khu vực Đông Nam Á, giữa các quốc gia có sự khác biệt trong việc áp dụng tiêu chuẩn về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô.

Ví dụ, ở Malaysia từ tháng 1/2020 đã quy định trẻ em ngồi trên ô tô phải có thiết bị an toàn. Nước này tổng hợp cả tiêu chuẩn UN R44 và UN R129 để áp dụng vào luật nhằm đảm bảo các xe ô tô cũ, mới đều có thể lắp đặt thiết bị an toàn cho trẻ một cách thuận tiện.

Ở Thái Lan đã ban hành tiêu chuẩn TIS 3418-2565 về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, dựa trên tiêu chuẩn UN R44 vào năm 2024, nhưng chỉ mang tính chất khuyến khích, chưa bắt buộc.

Hiện tại, Thái Lan đang đầu tư trang thiết bị nghiên cứu cho Phòng Thí nghiệm quốc gia để nghiên cứu thêm về vấn đề này và dự kiến sẽ cập nhật tiêu chuẩn mới vào năm 2025, khi đó sẽ trở thành quy định bắt buộc.

Ở Philippines quy định trẻ em có chiều cao dưới 150 cm phải được trang bị thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô phù hợp với lứa tuổi, cân nặng và kích thước của trẻ theo tiêu chuẩn UN R44 và UN R129 và các tiêu chuẩn quốc tế khác. Thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô được sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng ở Philippines phải đảm bảo đạt các tiêu chuẩn trên.

Trong khi đó, ở Singapore quy định trẻ em dưới 135 cm khi ngồi trên xe ô tô phải được trang bị thiết bị an toàn đạt một trong các chuẩn quốc tế, bao gồm: tiêu chuẩn UN R44, FMVSS 213 của Mỹ, AS 1754-1975 của Úc.

Myanmar, Lào và Campuchia đã có luật quy định về trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô nhưng chưa áp dụng tiêu chuẩn cụ thể nào vào quy định sản xuất, phân phối và sử dụng thiết bị này.

Indonesia hiện tại chưa ban hành luật quy định về trang bị thiết bị cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô.

Với Việt Nam chúng ta, hiện đã ban hành luật quy định về trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô và đang chuẩn bị ban hành tiêu chuẩn về thiết bị này.

PV: Như ông nói, Việt Nam đang chuẩn bị ban hành tiêu chuẩn về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô. Theo ông, với tình hình nước ta, nên áp dụng tiêu chuẩn nào?

PGS. TS Lý Hùng Anh: Ở Việt Nam, áp dụng tiêu chuẩn tiêu chuẩn UN R44 sẽ phù hợp với đa dạng các dòng xe, kể cả các dòng xe cũ không trang bị ISOFIX. Hiện tại, tiêu chuẩn UN R129 áp dụng cho các xe ô tô bắt buộc có ISOFIX. Do đó, việc áp dụng UN R44 sẽ phù hợp và khuyến khích việc mua và sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô ở cả dòng xe cũ lẫn mới đang được sử dụng ở Việt Nam.

Mặt khác, số lượng xe ô tô được đăng ký và sử dụng mỗi năm ở Việt Nam ngày càng tăng do tình hình kinh tế ngày càng phát triển và người dân có nhu cầu cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia có thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp nên giá cả ảnh hưởng lớn đến sức mua của người dân. Chưa kể, trung bình mỗi gia đình sử dụng ô tô thường có 2 trẻ em chênh nhau 5 tuổi, khi đó vẫn cần phải trang bị 2 ghế trẻ em, chi phí sẽ khá cao.

Các ghế đạt chuẩn theo UN R44 có giá thành thấp hơn các ghế đạt chuẩn theo UN R129 do yêu cầu về tiêu chuẩn của UN R129 cao và nghiêm ngặt hơn trong thiết kế và kiểm tra chất lượng. Do đó, việc áp dụng tiêu chuẩn UN R44 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng ô tô trang bị thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô, đặc biệt là đối với người dùng có thu nhập trung bình.

Tiêu chuẩn UN R44 được công nhận trên toàn thế giới và cũng được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trong hơn 30 năm qua, do đó đảm bảo được tính cấp thiết và độ tin cậy. Các quốc gia ở Đông Nam Á bao gồm Myanmar và Thái Lan hiện tại vẫn đang áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng UN R44 vào luật của họ.

Tuy nhiên, trong tương lai, tiêu chuẩn UN R129 sẽ dần thay thế UN R44 trong sản xuất và sử dụng hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô do có nhiều cải tiến. Việc áp dụng UN R129 sẽ nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em trên xe ô tô ở Việt Nam, đặc biệt là những ô tô đời mới đã sẵn sàng cho thiết bị an toàn cho trẻ theo UN R129.

Từ đó, giảm thiểu mức độ chấn thương và tử vong của trẻ em trong tai nạn, góp phần vào mục tiêu cải thiện tình hình tai nạn giao thông ở Việt Nam. Việc áp dụng UN R129 cũng giúp Việt Nam không bị tụt lại phía sau trong tương lai khi các quốc gia trên thế giới đã chuyển sang áp dụng UN R129.

Như vậy, tôi cho rằng, Việt Nam nên áp dụng đồng thời cả hai tiêu chuẩn UN R44 và UN R129 để khuyến khích người đi ô tô sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô theo khả năng tài chính và nhu cầu an toàn của họ. Đồng thời, nên lên phương án chuyển dần sang tiêu chuẩn UN R129.

Có thể thực hiện theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn UN R129 ở giai đoạn đầu tiên cho các mẫu xe mới và dần dần mở rộng cho toàn bộ thị trường, tương tự như chiến lược được thực hiện ở các quốc gia trong khối liên minh Châu.

Tại EU, từ khi tiêu chuẩn UN R129 được giới thiệu vào năm 2013, đã từng bước chuyển sang tiêu chuẩn mới này, ưu tiên cho các hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em mới. Tuy nhiên, UN R44 vẫn được phép bán và sử dụng để đảm bảo tính khả thi về chi phí và khả năng tương thích với các xe cũ.

PV: Cảm ơn ông!

Yến Chi

(thực hiện)

Tin tức

Tin tức

Lái xe lưu ý gì khi đi qua vòng xuyến?

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tỉnh Miền Trung thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô tải và xe …

Dẹp nạn xe khách làm loạn trên đường, ngăn tai nạn

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ xe khách lạng lách, chèn ép nhau trên đường, xô xát giữa nhân viên của nhiều nhà xe. Nguyên nhân phần lớn là do tranh giành khách, tiềm ẩn rủi ro mất ATGT rất cao. Báo động xe khách vi phạm Ngày 4/11, mạng xã hội …

Cẩn trọng khi lưu thông vào điểm mù của xe container

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân đi vào điểm mù xe container, xe tải. Để hạn chế tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là gắn camera tại các vị trí tài xế không thể quan sát. Những cái chết thương tâm …

Đốt rác dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nguy cơ gây tai nạn thảm khốc

Việc đốt rác hai bên đường tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị được giao quản lý tuyến …

Tài xế ngủ gật – nguyên nhân hàng loạt vụ tai nạn

Việc ứng dụng công nghệ, bổ sung tính năng, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật. Hàng loạt vụ tai nạn do tài xế ngủ gật Ngày 28/3, bà Bùi Thị M (SN …