Sớm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô
Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, đồng thời kiểm soát sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc…
Giảm nguy cơ thương tích cho trẻ em
Sáng 25/9, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (quỹ AIP) tổ chức hội thảo “Tăng cường phổ biến và chuẩn bị thực hiện quy định về thiết bị an toàn bảo vệ trẻ em trên ô tô”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về thắt dây an toàn và thiết bị bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Theo ông Minh, nhìn vào bản báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào thời điểm năm ngoái, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Tuy nhiên, đến nay, khi soi chiếu vào sự thay đổi trước các quy định pháp luật có thể thấy rằng các điểm thế giới khuyến cáo đối với Việt Nam cơ bản đã được khắc phục, bổ sung trong các quy định mới.
“Đối với thiết bị an toàn cho trẻ em, ngay cả với những quốc gia áp dụng rồi vẫn đòi hỏi tiếp tục thực hiện quyết liệt. Như tại Malaysia cách đây vài năm, chúng tôi có tiếp cận một báo cáo trong một cuộc khảo sát 4.000-5.000 trường hợp đã dùng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô. Nhưng tỷ lệ sử dụng đúng cách thiết bị đó rất thấp. Từ việc nhận diện ra thuận lợi cho đến khó khăn, thách thức đó để có những giải pháp triển khai quy định một cách hiệu quả nhất”, ông Minh nói.
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng, qua khảo sát, hiện chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong đó tại Hà Nội đạt khoảng 2,6%, TP.HCM đạt 1,1% và Đà Nẵng là 0%.
Vì vậy, thiết bị an toàn cho trẻ em là giải pháp được khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ thương tích và tử vong cho trẻ em. Thiết bị này bao gồm nhiều loại phù hợp với từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của trẻ như: Ghế nôi quay về phía sau hoặc cạnh, ghế quay về trước, ghế nâng, đệm nâng.
“Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ trong trường hợp va chạm giao thông. Kết quả tổng hợp từ các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thiết bị an toàn có thể giảm tỷ lệ thương tích từ 25-90%”, ông Cường cho hay.
Cũng theo ông Cường, không nên cho trẻ em ngồi ghế trước do đây là vị trí chịu nhiều lực tác động hơn khi xảy ra va chạm. Ngoài ra, dễ bị văng ra ngoài xe trong các trường hợp không cài dây an toàn, chịu sự va đập của túi khí cũng như gây mất tập trung hơn cho người lái…
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi dùng được dây an toàn của người lớn và đủ chiều cao xấp xỉ 1,5m.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ban hành luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay đã có gần 100 quốc gia có quy định pháp luật liên quan đến ghế an toàn cho trẻ em.
Tại một số quốc gia có thu nhập cao như Mỹ bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn từ những năm 1980, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 4 tuổi giảm 45% từ năm 1975-2017, Canada: Luật bắt buộc từ năm 1976, Úc bắt buộc từ năm 1971, Thuỵ Điển từ năm 1975…”, ông Cường thông tin.
Nhà sản xuất có sẵn hệ thống nhà xưởng, nhân lực
Cập nhật về tình hình sản xuất, kinh doanh thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, bà Bùi Thanh Hường, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH Thiết bị an toàn và sản phẩm an toàn Việt Nam cho biết, khách hàng tại Việt Nam chủ yếu lựa chọn sản phẩm có ISOFIX với mức giá dưới 2 triệu đồng và ghế dùng được trong thời gian dài cho trẻ từ 9 tháng – 12 tuổi.
Bên cạnh đó, tại thị trường hiện nay, phần lớn các xe ô tô đều đã có hệ thống gắn kết với ISOFIX trên ghế ngồi.
Cũng theo bà Hường, phần lớn các nguyên vật liệu để sản xuất thiết bị an toàn cho trẻ cũng gần giống như trong sản xuất mũ bảo hiểm như nhựa, xốp, vải… Ngoài ra, nhà sản xuất đã có sẵn hệ thống nhà xưởng, cơ sở vật chất, nhân lực.
“Thời điểm tháng 7, có nhiều khách hàng gọi điện đến hoặc hỏi thông tin trên mạng xã hội về ghế ngồi an toàn nhưng không mua và chỉ để tham khảo nếu cần.
Nhân viên của chúng tôi có tư vấn về những lợi ích cũng như tác dụng của việc sử dụng ghế ngồi ô tô nhưng hầu như không chốt được đơn bán vì người mua hàng đưa ra nhiều lý do như: Xe dùng để đi làm, mỗi lần dùng tháo ra và gắn lại mất thời gian; Ghế ngồi ô tô chiếm diện tích trên xe khi không sử dụng; Con còn nhỏ cho ngồi ghế không yên tâm hay sẽ mất thêm một khoản chi phí… Điều này cho thấy việc người tham gia giao thông chưa nhận thức hết được tầm quan trọng trong việc sử dụng sản phẩm này”, bà Hường chia sẻ.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, đồng thời kiểm soát sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc…
Tạ Hải