Sớm luật hóa quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em khi đi ô tô

Các chuyên gia cho rằng cần khẩn trương quy định về thiết bị chuyên dụng bảo vệ trẻ em trên ô tô để ngăn thương vong cho trẻ khi xảy ra TNGT.

Khoảng trống pháp luật

PGS.TS Phạm Việt Cường, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng cho biết, qua khảo sát gần 500 trẻ em 9-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng xe con đi học gia tăng từ 9% trước dịch Covid-19 lên 11% sau dịch; các gia đình có trẻ em xu hướng di chuyển xa. Trong khi đó, qua khảo sát tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Đây là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến mất an toàn cho trẻ em khi di chuyển bằng ô tô.

Các chuyên gia cho rằng cần sớm luật hoá quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em để bảo vệ trẻ khi đi ô tô

Trong khi đó, tại các nước trên thế giới, hiện có hơn 100/193 quốc gia được công nhận là thành viên của Liên hợp quốc hiện đã quy định rõ ràng trong luật về việc bắt buộc phải sử dụng ghế ngồi trên ô tô cho trẻ em khi đi xe hơi riêng.

“Các báo cáo từ những vụ tai nạn tại Mỹ cho thấy rằng: Nếu con bạn sử dụng ghế chuyên dụng khi ngồi ô tô thì có thể giảm đến 95% trường hợp tử vong và nếu gắn ghế chuyên dụng đúng cách trên ô tô thì có thể giảm 65% số ca chấn thương nặng”, ThS.BS. Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết thêm và nhấn mạnh: TNGT đường bộ luôn được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với nhóm trẻ từ 5 – 18 tuổi.

Thế nhưng, tại Việt Nam chưa có quy định pháp luật về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Pháp luật về giao thông đường bộ Việt Nam cũng không quy định cấm hay có một quy định cụ thể nào về việc trẻ em ngồi ghế phụ phía trước thậm chí là ngồi cùng ghế lái.

Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 123/2021 của Chính phủ cũng chỉ quy định người điều khiển ô tô và người ngồi ở vị trí có trang bị dây an toàn bắt buộc phải thắt dây an toàn. Do đó, trẻ em cũng có thể ngồi ở vị trí ghế phụ phía trước và trong trường hợp này cần phải thắt dây an toàn.

Tuy nhiên, việc để trẻ em ngồi ở vị trí ghế phụ phía trước rất nguy hiểm, kể cả trong trường hợp có sử dụng thiết bị an toàn (TBAT) thì vẫn nên ưu tiên lắp đặt ở hàng ghế phía sau.

Do đó, các chuyên gia cho rằng cần sớm có các quy định pháp luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với các đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 150cm; quy định độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn thiết bị an toàn trên xe ô tô…

Nhấn mạnh quan điểm cần thiết sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô, TS. Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ .

Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn.

Thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em với cơ chế bảo vệ giữ trẻ không bị văng ra khỏi chỗ ngồi, ngăn chặn việc trẻ bị va đập vào các bề mặt nội thất của xe hay các vật thể bên ngoài, hướng các lực tác động lên trẻ tới các vị trí có sức chịu lực mạnh nhất trên cơ thể trẻ và phân bố lực tác động trên diện rộng, bảo vệ phần đầu, cổ và cột sống của trẻ sẽ giúp trẻ tránh không bị thương bên trong xe khi xảy ra va chạm.

Sớm luật hoá quy định để bảo vệ trẻ

Ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 1.800km cao tốc với nhiều đoạn tuyến được chạy với vận tốc lên tới 120km/h, nhiều tuyến quốc lộ được nâng cấp chạy 80-90km/h.

Điều này tạo thuận lợi trong di chuyển cho người dân, tăng sự an toàn nhờ hạ tầng giao thông tốt tuy nhiên cũng là điều lo ngại đối với việc bảo vệ an toàn cho trẻ đi ô tô khi chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ.

“Do vậy, việc quy định về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là cần thiết”, ông Minh nói và cho biết: Tại Dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ đã đề xuất “trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô”. Cùng đó có các quy định về phương tiện, người lái… để đảm bảo an toàn khi sử dụng phương tiện ô tô đưa đón trẻ em.

Tuy nhiên, theo thực tế và kinh nghiệm các nước, cần xem xét kỹ một số vấn đề về độ tuổi, chiều cao của trẻ cũng như quy định về loại phương tiện phải áp dụng. Ngoài ra cũng cần có lộ trình cụ thể để triển khai.

PGS.TS Cường cho hay, dựa theo khuyến nghị của WHO và nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam, nên nghiên cứu xem xét áp dụng quy định bắt buộc các đối tượng trẻ em dưới 10 tuổi, dưới 135cm; Quy định trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi ghế trước. Đồng thời sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật ghế, chất lượng ghế trên xe.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, thiết bị an toàn cho trẻ em có hiệu quả cao trong việc giảm thiểu thương tích và tử vong đối với trẻ em. Việc sử dụng thiết bị an toàn có thể giảm thiểu tới 60% nguy cơ tử vong. Lợi ích của thiết bị an toàn đã cho thấy rất tích cực đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là với trẻ dưới 4 tuổi. Đối với trẻ từ 8-12 tuổi, việc sử dụng ghế nâng được cho thấy có mối liên quan trong việc giảm 19% nguy cơ tổn thương so với việc sử chỉ dụng dây đai an toàn.

Yến Chi

Tin tức

Tin tức

Lái xe lưu ý gì khi đi qua vòng xuyến?

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tỉnh Miền Trung thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô tải và xe …

Dẹp nạn xe khách làm loạn trên đường, ngăn tai nạn

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ xe khách lạng lách, chèn ép nhau trên đường, xô xát giữa nhân viên của nhiều nhà xe. Nguyên nhân phần lớn là do tranh giành khách, tiềm ẩn rủi ro mất ATGT rất cao. Báo động xe khách vi phạm Ngày 4/11, mạng xã hội …

Cẩn trọng khi lưu thông vào điểm mù của xe container

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân đi vào điểm mù xe container, xe tải. Để hạn chế tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là gắn camera tại các vị trí tài xế không thể quan sát. Những cái chết thương tâm …

Đốt rác dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nguy cơ gây tai nạn thảm khốc

Việc đốt rác hai bên đường tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị được giao quản lý tuyến …

Tài xế ngủ gật – nguyên nhân hàng loạt vụ tai nạn

Việc ứng dụng công nghệ, bổ sung tính năng, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật. Hàng loạt vụ tai nạn do tài xế ngủ gật Ngày 28/3, bà Bùi Thị M (SN …