Tham gia giao thông, càn chú ý những kỹ năng gì để đảm bảo an toàn?
Không ít tài xế có thói quen xấu khi lái xe khiến người tham gia giao thông bức xúc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Tham gia giao thông, cần tăng cường quan sát, tuân thủ luật giao thông và thực hiện tốt các kỹ năng khi điều khiển phương tiện.
Tăng cường chú ý khi chuyển làn đường
Chuyển làn đường không bật tín hiệu là một thói quen xấu phổ biến ở nhiều tài xế, đặc biệt những tài xế thường xuyên di chuyển trong nội đô. Với điều kiện giao thông nội đô đông đúc, việc chuyển làn đường liên tục khi di chuyển là khó tránh khỏi.
Nhưng chính vì điều này mà nhiều tài xế có xu hướng ngại bật đèn tín hiệu khi chuyển làn, lâu dần hình thành thói quen chuyển làn không sử dụng đèn tín hiệu.
Thói quen này vô cùng nguy hiểm, vì khi chuyển làn không sử dụng đèn tín hiệu khiến các phương tiện bên cạnh và đằng sau không thể nhận biết để điều hướng, tránh va chạm. Cộng với tình hình giao thông đông đúc, tỷ lệ xảy ra va chạm với các xe khác rất cao.
Nguy hiểm hơn, khi điều khiển xe trên cao tốc nhiều tài xế vẫn giữ thói quen này. Với việc di chuyển tốc độ cao và gặp xe bất ngờ chuyển làn không có tín hiệu báo trước sẽ rất dễ xảy ra tai nạn và hậu quả sẽ rất khôn lường.
Ngoài kỹ năng, tham gia giao thông cần có văn hóa
Bật đèn pha trong khu đông dân cư là một hành động kém văn hóa khi tham gia giao thông, gây bức xúc cho lái xe đi ngược chiều.
Ánh sáng của đèn pha sẽ làm chói và mù các vùng quan sát, khiến tỷ lệ xảy ra va chạm rất cao. Điều đáng nói, trong khu dân cư có hệ thống đèn đường chiếu sáng, nhưng nhiều tài xế vẫn vô tư sử dụng đèn pha khi di chuyển.
Giữ khoảng cách an toàn, di chuyển chậm ở làn bên trái
Khi di chuyển trên các cung đường cao tốc, không khó bắt gặp những chiếc xe di chuyển làn trong cùng bên trái (làn đường có tốc độ tối đa 120km/h) chỉ với tốc độ 70-80km/h.
Việc này sẽ gây cản trở cho nhiều phương tiện khác, khi phải giảm tốc và chuyển làn để tránh xe di chuyển chậm. Và khi phải chuyển làn ở tốc độ cao thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ lớn hơn, cũng như hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Việc bám sát đuôi xe phía trước, không giữ khoảng cách an toàn cũng là thói quen của nhiều tài xế. Điều này diễn ra khá phổ biến trên đường tốc, mặc dù luôn được khuyến cáo giữ khoảng cách tối thiểu 100m với xe phía trước, nhưng rất ít tài xế thực hiện đúng theo khuyến cáo này.
Sử dụng điện thoại, màn hình giải trí khi lái xe
Mặc dù các mẫu xe ngày nay đều kết nối điện thoại, đàm thoại rảnh tay giúp hạn chế việc sử dụng điện thoại khi lái xe.
Nhưng nhiều tài xế vẫn vô tư sử dụng điện thoại khi lái xe, việc này sẽ dẫn tới mất tập trung dễ dẫn tới tai nạn.
Ngoài ra nhiều tài xế cũng có thói quen xem video trên màn hình giải trí, hành vi này cũng nguy hiểm tương tự như sử dụng điện thoại.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi này như sau: Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Mặc dù chế tài xử phạt cao, nhưng nhiều tài xế vẫn vô tư vi phạm.
Không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường
Trên các cung đường đều được quy định làn đường dành riêng cho các loại phương tiện, nhiều tài xế vẫn vô tư lấn làn, đi sai làn để thoát khỏi ùn tắc. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm, mà còn khiến cho tình trạng ùn tắc thêm tồi tệ.
Biển báo giao thông cũng thường bị các tài xế lãng quên, dẫn tới nhiều trường hợp như dừng đỗ xe sai quy định, vượt quá tốc độ cho phép, đi vào đường cấm, đường ngược chiều…
Thói quen không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông cũng xuất hiện ở một số lái xe, hành vi này là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ tai nạn hoặc gây ùn tắc cục bộ giao thông.
Nguyễn Mạnh Hưng