Thanh thiếu niên đi xe đạp điện thế nào để an toàn?

Xe đạp điện nhờ ưu điểm nhỏ gọn, dễ điều khiển, lại không cần bằng lái đang ngày càng được nhiều người lựa chọn sử dụng, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Song loại phương tiện này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn giao thông.

Nhiều rủi ro tai nạn giao thông cho học sinh, sinh viên

Có mặt tại các cổng trường THCS và THPT trên khắp cả nước, dễ dàng bắt gặp nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, đi ngược chiều, đeo tai nghe…

Tình trạng học sinh đi xe đạp điện vi phạm giao thông diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây tai nạn giao thông. ThS Lê Thị Thu Thủy, Trường Đại học GTVT cho biết, tại các thành phố lớn ở Việt Nam, 15 – 18 tuổi là lứa tuổi nhiều học sinh lần đầu tự điều khiển các phương tiện giao thông trên đường. Ngoài sự thiếu kinh nghiệm, thiếu tập trung khi tham gia giao thông, lứa tuổi này còn chưa thành thạo các kĩ năng điều khiển phương tiện.

Thống kê của các Sở Giáo dục và Đào tạo hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM, trong những năm gần đây, hàng năm có khoảng 200.000 học sinh lớp 9 bước vào lớp 10.

“Từ 310 mẫu phiếu điều tra thực tế với lứa tuổi bắt đầu bước vào lớp 10 (năm đầu tiên THPT), khoảng 16% số học sinh có ý định sử dụng xe buýt, hơn 50% dự định sẽ sử dụng xe điện (gồm xe đạp điện, xe máy điện), số còn lại sử dụng phương tiện khác và người nhà đưa đón.

So với thực tế di chuyển phương tiện chính lớp cuối cấp THCS, tỉ lệ đi xe buýt không thay đổi, trong khi tỉ lệ học sinh đi xe điện tăng mạnh, tỉ lệ đi xe do người lớn đưa đón giảm mạnh”, Th.S Thủy nói và cho biết thêm: Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có tới 90% các vụ TNGT của trẻ em liên quan đến các em trong độ tuổi 15 đến dưới 18 và trên 50% học sinh các trường THPT đến trường bằng xe máy điện, xe đạp điện.

Trong khi đó, mọi kỹ năng điều khiển các phương tiện tham gia giao thông của những người trong lứa tuổi 15 – 18 còn rất yếu.

Qua khảo sát, có đến hơn 16% số học sinh tự đi học bằng xe đạp điện mà không cần ai đi theo hướng dẫn, có đến gần 39% chỉ được người nhà đi theo từ 1 – 3 lần.

“Như vậy, ngoài phương tiện có thể là nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra mất ATGT, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của con người, thì các kỹ năng như kỹ năng quan sát, nhận biết và xử lý các tình huống, kỹ năng tuân thủ luật giao thông, kỹ năng lái xe lại gần như bị bỏ ngỏ trong lứa tuổi này”, Th.S Thuỷ nhìn nhận.

Đồng quan điểm, một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm cho biết, xe đạp điện được phân vào nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, do vậy không có quy định về độ tuổi được phép sử dụng. Chưa kể, đây là phương tiện mà người sử dụng không cần bằng lái nên đa số học sinh, sinh viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe nhưng vẫn được lưu thông trên đường.

Quan ngại hơn đó là dù quy định vận tốc tối đa của xe đạp điện là 25km/h tuy nhiên hiện nay để thu hút người dùng, nhiều hãng xe đạp điện vẫn lách luật và quảng cáo xe có thể tăng tốc tối đa lên tới 40 – 45 km/h, tương đương với tốc độ xe máy. Đây là tốc độ rất nguy hiểm đối với các em học sinh.

Chưa kể, xe đạp điện khi tham gia giao thông không phát ra tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh, nhất là vào buổi tối, dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại các ngã ba, ngã tư, nơi khuất tầm nhìn. Trong khi đó, hầu hết các loại xe đạp điện không gắn gương chiếu hậu, còi, đèn xi-nhan yếu nên khi chuyển hướng cũng có thể xảy ra tai nạn nếu người tham gia giao thông thiếu cảnh giác.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng lo ngại là tính cách của người điều khiển phương tiện. Các chuyên gia giao thông nhận định, do đang trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên không ít học sinh khi đi xe đạp điện, xe máy điện thường có hành vi lạng lách, đánh võng trên đường. Đây chính là biểu hiện rõ nhất về ý thức tham gia giao thông của lứa tuổi này còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ghi nhớ kỹ năng để tham gia giao thông an toàn

Phụ huynh, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng đi xe đạp điện an toàn cho học sinh.

Theo Ths Thủy, để giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến học sinh khi đi xe đạp điện và xe máy điện, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con về sự cần thiết luyện tập về kỹ năng lái xe, kĩ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

Phía nhà trường cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tham gia tìm hiểu về an toàn đường bộ, có định hướng, tổ chức hướng dẫn các câu lạc bộ nhà trường kết hợp tìm hiểu an toàn đường bộ kết hợp như một phương thức giáo dục ngoại khóa, tránh nhàm chán.

Một kỹ thuật viên xe máy tại đại lý Honda Việt Nam ở Hà Nội cho biết, có 6 quy tắc, học sinh đi xe đạp điện cần ghi nhớ để đảm bảo an toàn.

Đó là, luôn luôn đội mũ bảo hiểm; đi xe với vận tốc tối đa 25km/h; tập trung quan sát và bao quát tình huống bởi các loại xe điện thường không phát động lớn như xe máy hay ô tô, do vậy để tham gia giao thông an toàn cần chú ý quan sát và bao quát các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Khi lái xe vào ban đêm, thanh thiếu niên càng phải tập trung do tầm nhìn bị hạn chế; trước khi đổi hướng phải bật xi nhan, quan sát gương (đối với xe máy điện) và đưa mắt kiểm soát. Ngoài ra, cần giữ khoảng cách với các xe tải chở vật liệu, chở hàng hoá cồng kềnh, rất dễ gây nguy hiểm cho các em.

Bên cạnh đó, phải kiểm tra kỹ thuật trước khi điều khiển xe. Theo kỹ thuật viên, đây là việc làm đơn giản, chỉ cần bỏ ra khoảng 5 – 10 phút kiểm tra hai lốp trước và sau, không nên bơm quá căng cũng như để lốp non hơi; kiểm tra hệ thống phanh, tra dầu nếu cảm thấy phanh bị cứng hoặc rít, tốt nhất nên tra dầu mỗi tháng một lần.

Ngoài ra cũng nên bôi mỡ phần trục trước, trục giữa 6 tháng/lần để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Dựng chân chống giữa và nhấn ga xem động cơ có hoạt động trơn tru hay có bị kẹt không. Sau đó xem xét dây nối giữa bình pin và động cơ, nếu bộ dây này có vấn đề (bị đứt hoặc nghẽn mạch), xe sẽ không thể kích hoạt được chức năng chạy điện.

Đặc biệt, phải chú ý bảo quản pin, ắc quy, khi mới mua xe đạp điện về cần sạc đầy pin tối đa 10 tiếng, sau lần đầu sạc, những lần sạc sau, thời gian sạc không quá 8 tiếng.

Chú ý sạc điện an toàn. Theo đó, có hai cách sạc điện cho xe là tháo bình pin ra khỏi xe hoặc sạc điện trực tiếp khi bình pin ở nguyên vị trí trên xe. Trong khi nạp điện, cần đặt các bộ phận nạp điện ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ em.

Chỉ sử dụng bộ sạc đi kèm theo xe với sự chỉ định của nhà sản xuất. Tuyệt đối tránh không cho nước hay bất kỳ một dung dịch nào thấm vào trong bộ sạc.

Yến Chi

Tin tức

Tin tức

Lái xe lưu ý gì khi đi qua vòng xuyến?

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tỉnh Miền Trung thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô tải và xe …

Dẹp nạn xe khách làm loạn trên đường, ngăn tai nạn

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ xe khách lạng lách, chèn ép nhau trên đường, xô xát giữa nhân viên của nhiều nhà xe. Nguyên nhân phần lớn là do tranh giành khách, tiềm ẩn rủi ro mất ATGT rất cao. Báo động xe khách vi phạm Ngày 4/11, mạng xã hội …

Cẩn trọng khi lưu thông vào điểm mù của xe container

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân đi vào điểm mù xe container, xe tải. Để hạn chế tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là gắn camera tại các vị trí tài xế không thể quan sát. Những cái chết thương tâm …

Đốt rác dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nguy cơ gây tai nạn thảm khốc

Việc đốt rác hai bên đường tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị được giao quản lý tuyến …

Tài xế ngủ gật – nguyên nhân hàng loạt vụ tai nạn

Việc ứng dụng công nghệ, bổ sung tính năng, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp ngăn ngừa tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật. Hàng loạt vụ tai nạn do tài xế ngủ gật Ngày 28/3, bà Bùi Thị M (SN …