Cần tổ chức lại giao thông ở các nút giao phức tạp, xóa “điểm đen” tai nạn ở Đồng Nai
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, Đồng Nai cần có phương án tổ chức giao thông ở các vị trí nút giao đang là “điểm đen” về tai nạn hoặc các cụm nút giao thông phức tạp đoạn QL51, cổng 11, đường tránh Biên Hòa…
Phương tiện đông tăng nguy cơ xảy ra tai nạn
Trong 10 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 309 vụ tai nạn giao thông, làm chết 260 người, bị thương 147 người. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 130 vụ, tăng 120 người chết, số người bị thương tăng 84 người.
Các vụ tai nạn giao thông ở Đồng Nai chủ yếu xảy ra trên QL20, QL1 và QL51, đây là những cung đường thường xuyên có các điểm đen về tai nạn giao thông.
Trước thực trạng trên ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa dẫn đầu đoàn công tác đã đến Đồng Nai kiểm tra về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong những tháng cuối năm; đồng thời kiểm tra kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, việc xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Trong quá trình làm việc, ông Khuất Việt Hùng nhận định, Đồng Nai là địa phương có nhiều cửa ngõ giao thông trọng điểm, số lượng phương tiện tham gia giao thông đông nên tình hình giao thông phức tạp, nguy cơ xảy ra tai nạn ở mức cao.
Vì vậy nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, cơ quan chức năng địa phương và Bộ GTVT cần có phương án tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao đang là “điểm đen” về tai nạn giao thông hoặc các cụm nút giao thông phức tạp đoạn QL51, cổng 11, đường tránh Biên Hòa…
“Đồng Nai nên tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông nhất là trong học sinh và công nhân bởi đây là những đối tượng thường xuyên tham gia giao thông. Ngoài ra còn nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học trong việc đảm bảo an toàn giao thông cho công nhân, học sinh. Đồng thời, đề nghị tỉnh Đồng Nai có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị với Bộ GTVT, Chính phủ có biện pháp đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ qua địa bàn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, địa phương có mong muốn mở rộng các tuyến quốc lộ, lắp giải phân cách… đó là mong muốn thực tế nhưng khắp cả nước có nhiều quốc lộ. Do đó chi phí để triển khai đồng loạt là rất lớn trong khi nguồn kinh phí có hạn.
Ngoài ra, ông Khuất Việt Hùng kiến nghị Đồng Nai khi quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị phải có đánh giá tác động giao thông với các công trình phát sinh nhu cầu giao thông; đặc biệt là đánh giá tác động giao thông trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư; đề ra giải pháp chống ùn tắc và phân luồng giao thông phù hợp để tránh xảy ra xung đột, gây mất an toàn.
Riêng các điểm đen an toàn giao thông trên QL51, nút giao cổng 11… ông Hùng đề xuất Đồng Nai phải tổ chức tại giao thông toàn bộ nút và mạng lưới giao thông xung quanh.
Để kéo giảm tai nạn trên QL20, QL1, QL51…; ông Hùng đề nghị lực lượng chức năng địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện kịp thời các vi phạm giao thông, xử lý nghiêm.
Liên tục ra quân xử lý vi phạm giao thông
Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Phó trưởng ban ATGT Đồng Nai cho biết địa phương đã có kế hoạch lắp đặt hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông trên nhiều tuyến quốc lộ.
Trước mắt sẽ sử dụng khoảng 745 tỷ đồng để lắp camera xử lý giám sát và xử lý vi phạm giao thông. Tới nay công an tỉnh đã tham mưu việc lắp đặt camera lên UBND tỉnh Đồng Nai và chờ thông qua hội đồng nhân dân.
Gần đây, Công an Đồng Nai liên tục ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trên tuyến QL20. Đặc biệt, từ ngày 15/11, có 16 tổ công tác của công an tỉnh liên tục ra quân làm việc xuyên ngày đêm để kiểm tra xử lý vi phạm trên QL1 và QL20. Trong ba ngày ra quân từ 15 – 17/11, công an đã kiểm tra 9.248 phương tiện và phát hiện 780 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Trong đó có hai lái xe tải, một lái xe khách, hai lái xe con và 61 lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn. Ngoài ra có sáu trường hợp lái xe con, xe container, xe tải, mô tô sử dụng chất ma túy; 460 trường hợp vi phạm tốc độ; 254 trường hợp lái xe ô tô, mô tô vi phạm khác…
Cũng theo Công an Đồng Nai, những ngày tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Công an Lâm Đồng và Công an TP. HCM thường xuyên kiểm tra các bến, bãi, nơi tập kết hàng hóa, hành khách lên phương tiện để xuất phát qua QL1 và QL20, có dấu hiệu vi phạm về giao thông, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm… để thông báo cho các tổ công tác biết, kịp thời kiểm tra, xử lý.
Theo Ban ATGT Đồng Nai, nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông ở Đồng Nai chủ yếu là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông với các lỗi gồm: nồng độ cồn, không chú ý quan sát, đi sai làn đường, không giữ khoảng cách an toàn, tránh vượt sai quy định…
Để đảm bảo an toàn giao thông, thời gian qua, Ban đã đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (chủ đầu tư dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây) xử lý các tồn tại ở vị trí QL56 giao với đường cao tốc.
Ngoài ra còn kiến nghị, đề xuất xây dựng hoàn chỉnh nút giao ngã tư Vũng Tàu, mở rộng mặt đường và lắp đặt dải phân cách trên QL1 và QL20 cũng như tháo dỡ trạm thu phí cầu Đồng Nai, QL51.
Để khắc phục các nguy cơ mất an toàn, tại nút giao QL51 – đường Võ Nguyên Giáp, đơn vị chức năng của Đồng Nai đã điều chỉnh đèn tín hiệu. Ngoài ra còn gắn thêm đèn tín hiệu phụ dành cho xe ô tô rẽ phải, giúp người lái xe ô tô dễ di chuyển hơn, hạn chế va chạm với xe máy. Sắp tới, Đồng Nai sẽ lắp đặt đèn tín hiệu, bảng phân làn giao thông trên hệ thống giá long môn để người lái xe qua đây tiện quan sát từ xa.
Riêng tại vòng xoay Cổng 11, Cục Đường bộ Việt Nam đã chấp thuận giải pháp xử lý bố trí đèn tín hiệu xanh – đỏ và yêu cầu thi công hoàn thành trước ngày 31/12/2023.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét xây dựng nút giao khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) tại nút giao này đảm bảo lưu thông an toàn.
Minh Tuệ