Xe đi chậm chiếm làn xe đi nhanh – Nguyên nhân chính các vụ TNGT trên đường cao tốc

Ở nhiều nước trên thế giới, các làn xe phía bên trái thường được quy định dành cho xe chạy với tốc độ cao, xe chạy vượt xe khác đi chậm hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trên các tuyến cao tốc, các xe tải, xe đi chậm thường chiếm các làn phía bên trái gần dải phân cách.

Khi đó các xe có tốc độ cao hơn có nhu cầu vượt xe thường phải vượt trên làn bên phải, khuất tầm nhìn gây ra nhiều xung đột giao thông, gia tăng nguy cơ ùn tắc và TNGT.

Xe đi chậm “nghênh ngang” trên làn xe đi nhanh

Khoảng 14h ngày 1/12, anh Nguyễn Tuấn (trú tại Hà Nội) điều khiển xe ô tô con lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hướng về Hà Nội với tốc độ 110km/h ở làn bên trái.

Bất ngờ, anh phát hiện một xe cùng chiều di chuyển với tốc độ thấp hơn (khoảng 80km/h) ở trước mặt.

Tình trạng các xe tải trọng lớn, đi chậm lưu thông trên làn bên trái dành cho xe đi nhanh trên cao tốc diễn ra phổ biến.

“Do trời mưa, tầm nhìn hạn chế, tôi bị bất ngờ nên phải chuyển làn đột ngột, xém chút thì lạc tay lái gây tai nạn. Theo biển chỉ dẫn trên cao tốc này, xe đi tốc độ 80 – 100km/h phải đi vào làn phía bên phải, tốc độ 100 – 120km/h sẽ đi vào làn bên trái, nhưng rất nhiều người vẫn không chấp hành”, anh Tuấn bức xúc.

Nhóm chuyên gia trường Đại học Giao thông vận tải đã thực hiện khảo sát việc sử dụng làn đường và tốc độ xe chạy của các phương tiện trên ba tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Láng Hòa Lạc và Hà Nội – Thái Nguyên.

Kết quả cho thấy đa số các phương tiện chọn làn phía trái với đường có bốn làn xe và làn số 1 và làn số 2 đối với đường có 6 làn xe. Trong đó các phương tiện xe tải chỉ có 42.62% chọn làn ngoài cùng bên phải ở đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, 37.15% chọn làn ngoài cùng bên phải ở đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và 28.86% chọn làn ngoài cùng bên phải ở đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Các phương tiện chạy với tốc độ thấp hơn 60km/h chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt nhiều phương tiện chạy với tốc độ dưới 40km/h ở làn bên trái khiến cho các xe phải vượt về phía bên phải.

Theo TS. Đặng Minh Tân, thành viên của nhóm nghiên cứu, ở nhiều nước trên thế giới, việc sử dụng làn đường của các phương tiện trên đường cao tốc được quy định và được quản lý rõ ràng.

Đơn cử, ở Mỹ tại hầu hết các bang đều có luật quy định các xe phải giữ làn phải hoặc luật nhường đường yêu cầu các xe phải giữ làn phía bên phải hoặc phải chuyển làn sang phía bên phải để nhường cho xe có nhu cầu vượt từ phía sau.

Ở một số bang của Hòa Kỳ như Texas, trên đường cao tốc còn bố trí các biển báo hiệu thông báo làn phía bên trái chỉ dành cho xe vượt. Ở Đức, luật giao thông đường bộ cũng quy định các xe phải giữ làn phải. Làn đường bên trái chỉ được sử dụng để vượt, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ tắc đường, tai nạn).

Ở Việt Nam, các quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ô tô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn chiếm làn bên trái sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm. Thực trạng này gây ra nhiều vấn đề về ùn tắc, TNGT hay gây tâm lý ức chế cho người điều khiển phương tiện.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho biết, việc các xe chạy chậm (đặc biệt các xe tải, xe khách) đi vào làn dành cho xe đi nhanh buộc các xe chạy nhanh phải chuyển làn đột ngột.

Đây thường là nguyên nhân chính gây ra các vụ TNGT trên đường cao tốc.

Một chuyên gia giao thông cũng cho rằng, tình trạng xe đi chậm đi vào làn bên trái dành cho xe đi nhanh trên cao tốc không chỉ thể hiện ý thức tham gia giao thông chưa văn minh, mà còn khiến nhiều xe khác mất nhiều thời gian hơn dự kiến khi lựa chọn cao tốc.

Cần quy định tốc độ riêng cho từng làn?

Hiện trường vụ TNGT giữa xe máy và xe container khiến bé 4 tuổi không đội mũ bảo hiểm tử vong thương tâm.

Ông Vũ Anh Tuấn cho biết, hiện không phải tất cả mà chỉ một số tuyến và đoạn tuyến cao tốc tại Việt Nam mới có biển giới hạn tốc độ theo làn.

Vì thế, cần quy định tốc độ tối đa và tối thiểu trên mỗi làn đường ở tất cả các tuyến cao tốc, đi kèm biển báo màu xanh in hình các phương tiện được phép lưu thông phía trên mỗi làn.

“Ví dụ, tại làn dành cho xe đi chậm gắn thêm biển in hình xe tải và xe con, tức là cả xe tải và xe con đều sử dụng được làn này), trong khi làn cho xe đi nhanh gắn biển chỉ in hình xe con, kèm chú dẫn xe tải không được phép di chuyển vào”, TS. Tuấn giải thích.

Ông Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cũng cho rằng, cần quy định tốc độ tối thiểu và tối đa trên các tuyến cao tốc cũng như việc chia tốc độ theo làn đường dành cho xe đi nhanh và xe đi chậm để đảm bảo ATGT trên tuyến.

“Khi quy định tốc độ theo làn đường, phương tiện nào không tuân thủ, cần thông qua việc giám sát bằng các thiết bị theo dõi trên cao tốc để phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm”, TS. Đức đề xuất.

Theo TS. Hiếu, vấn đề mất an toàn trên cao tốc hiện nay nổi cộm nhất là ý thức tham gia giao thông của chủ các phương tiện chưa cao.

Do đó, cùng với việc tuyên truyền, cung cấp thông tin để nâng cao ý thức, cần phải xử lý nghiêm vi phạm quy định tốc độ tối thiểu trên cao tốc để hạn chế việc các phương tiện di chuyển tốc độ chậm, gây cản trở quá trình lưu thông của các phương tiện khác.

Đồng quan điểm, nhóm nghiên cứu Trường Đại học GTVT cũng đề xuất, trước mắt với tuyến đường cao tốc có 6 làn xe có thể nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn bên phải số 2 và làn số 3 (làn bên trái là làn số 1).

Song song với đó, cần phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng.

Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền, tăng cường các giải pháp đào tạo người lái xe nhận thức về việc sử dụng làn đường khi tham gia giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng.

Yến Chi

Tin tức

Tin tức

Tổng rà soát, xử lý điểm đen tai nạn giao thông trên quốc lộ

Năm 2024, Bộ GTVT đang triển khai xử lý 13 điểm đen và 8 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ. Tại báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, theo trách nhiệm được giao, trong công tác bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao …

Bảo vệ trẻ khi ngồi trên ô tô

Từ 1/1/2026, trẻ dưới 10 tuổi ngồi trên xe ô tô phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp. Tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật của thiết bị đang được Bộ GTVT khẩn trương xây dựng. Giảm thiểu tai nạn cho trẻ Tháng 2/2024, vụ TNGT liên hoàn trên cao tốc Cam …

Hội nghị thường niên về An toàn đường bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024

Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) tổ chức Hội nghị thường niên về An toàn đường bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024. Hội nghị có sự góp mặt …

Đề xuất nâng mức phạt hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện cầm lái

Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền lên 2-3 triệu đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mà giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Bộ Công an vừa có dự thảo mới nhất quy định xử phạt vi phạm hành …

Quảng Ngãi tìm giải pháp giảm thiểu TNGT ở các nút giao không có đèn tín hiệu

Nhiều vụ TNGT đường bộ liên quan đến xe máy và ô tô ở nút giao đồng mức tại Quảng Ngãi dẫn đến chết người, thương tích, thiệt hại về tài sản và lo lắng cho người dân. Vì sao lại xảy ra xung đột, tai nạn giao thông ở các nút giao không có …