Cảnh báo TNGT từ những phiên tòa giả định
Thông qua mô hình phiên tòa giả định, TAND Tối cao và Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết thêm về pháp luật giao thông. Qua đó tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần nâng cao văn hóa giao thông của người dân.
Mô phỏng vụ án TNGT để ngăn ngừa vi phạm
Ngày 9/12, TAND Tối cao phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.
Tham dự chương trình có những tài xế đại diện cho hãng taxi và đơn vị kinh doanh vận tải công cộng. Ngoài ra, gần 100 sinh viên và học sinh tại Hà Nội cũng đến dự khán.
Video tình huống TNGT giả định về vụ án hình sự vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có diễn biến như sau: Một ngày đầu tháng 4, Nguyễn Đăng V (SN 2006) và Bùi Văn T (SN 2004) rủ nhau đi ăn trưa, cả hai cùng uống rượu trong bữa ăn.
Sau khi tàn cuộc nhậu, T giao xe máy của mình cho V (chưa đủ 18 tuổi và chưa có giấy phép lái xe) điều khiển để chở T về nhà. Khi đến vòng xuyến trên quốc lộ, V không lái xe đi theo chiều vòng xuyến, mà rẽ ngược chiều rồi tông trúng xe máy do ông Lê Văn G (SN 1971) điều khiển. Hậu quả, ông G tử vong, còn V và T bị thương.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng truy tố V về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Còn T bị truy tố tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Toàn bộ diễn biến phiên tòa giả định cũng được trình chiếu để các tài xế cùng các em sinh viên, học sinh theo dõi theo đúng trình tự, thủ tục của một phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Kết thúc phiên xử, Hội đồng xét xử tuyên hai bản án dành cho hai bị cáo phù hợp với mức độ, diễn biến hành vi và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Chăm chú theo dõi vụ án giả định về tình huống gây TNGT để lại hậu quả nghiêm trọng, những tài xế taxi, xe kinh doanh vận tải cùng các em sinh viên, học sinh đã đưa ra nhiều câu trả lời, đánh giá liên quan hành vi của hai bị cáo.
Giúp hình thành văn hóa giao thông
Ủy ban ATGT mong muốn TAND Tối cao và các đơn vị liên quan tiếp tục đồng hành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho mọi tầng lớp.
Ông Nguyễn Biên Thùy, thẩm phán TAND Tối cao cho biết, bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” được dựa trên những bản án đã có hiệu lực pháp luật được tòa án các cấp tổ chức xét xử.
Đây là những vụ án liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về giao thông mà nguyên nhân do người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển xe chạy ngược chiều, tài xế chưa có giấy phép lái xe, vi phạm nồng độ cồn và các quy định về tội phạm hình sự.
Các đơn vị liên quan đánh giá mô hình phiên toà giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền về ATGT trong các nhà trường. Qua đó, cảnh tỉnh người dân về hậu quả của các hành vi vi phạm giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng trật tự ATGT và trật tự an toàn xã hội.
Còn ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ góp phần hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.
“Thông tin và thông điệp từ các phiên tòa giả định gắn với chủ đề ATGT phù hợp với mọi đối tượng, từ các tài xế, công nhân viên của ngành giao thông, đối tượng học sinh, sinh viên…”, ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, các tình huống giả định mô phỏng những tình huống vi phạm giao thông rất sát với thực tế, đã từng xảy ra và gây hậu quả đau thương cho toàn xã hội.
Ủy ban ATGT mong muốn TAND Tối cao và các đơn vị liên quan tiếp tục đồng hành trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho mọi tầng lớp.
Trong đó, công tác này cần tập trung vào giới tài xế, là những người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Hoặc đối với tầng lớp học sinh, sinh viên bởi họ là những công dân trẻ, giúp họ nhận thức được việc tuân thủ, giữ gìn trật tự ATGT ngay từ đầu. Qua đó hình thành văn hóa giao thông sau này.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban ATGT, TAND Tối cao và các đơn vị có thể áp dụng thêm nhiều mô hình phiên tòa giả định, trong đó các thành phần “hóa thân” tham gia tố tụng (chủ tọa, kiểm sát viên, luật sư…) chính là các em học sinh, sinh viên, tài xế và người lao động. Điều này sẽ giúp họ nhận thức sâu hơn, trực quan hơn về các hành vi, góp phần ngăn chặn những ý định vi phạm ngay từ trong suy nghĩ.
Hoàng Lam