Xem xét để địa phương không cần thỏa thuận mở lại vận tải khách liên tỉnh

Căn cứ vào cấp độ phòng chống dịch được công bố, các tỉnh, thành phố chủ động mở lại vận tải khách, chỉ cần thông báo cho địa phương đối lưu.
Hành khách ngại đi lại vì sợ lây dịch

Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày 25/10 tại Bến xe Mỹ Đình, các biện pháp phòng chống dịch được triển khai nghiêm ngặt, đúng quy định. Bến xe bố trí đầy đủ khu vực xét nghiệm y tế cho hành khách, yêu cầu hành khách khai báo y tế qua mã QR Code tại các quầy bán vé và khi lên xe. Tuy nhiên, lượng xe và hành khách vẫn rất ít, chỉ lác đác vài hành khách ra vào bến.
Anh Hoàng Văn Tuấn (Thanh Hóa) cho phóng viên biết có việc gấp phải về quê nên mới ra bến xe. Tâm lý của chính anh và người nhà là rất ngại đi lại trong mùa dịch. Trước khi đi, chúng tôi cũng phải tìm hiểu trên báo chí, gọi điện ra bến xe xem các nhà xe đã hoạt động trở lại chưa, anh Tuấn chia sẻ.

Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nộit, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GTVT, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch mở lại vận tải khách, không ban hành tiêu chí riêng.

Đối với vận tải khách liên tỉnh, ông Long cho hay, thực hiện hướng dẫn của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đã lấy ý kiến thỏa thuận với 6 tỉnh, thành phố cho phép mở lại tần suất 5% số chuyến của doanh nghiệp trong thời gian từ 13 – 20/10/2021. Hiện có 4 tỉnh đã thống nhất với Hà Nội hoạt động thí điểm tuyến vận tải khách liên tỉnh. Kết quả từ ngày 13/10 – 23/10 có 82 chuyến xe, vận chuyển hơn 3.300 hành khách.
Cũng trong ngày hôm nay (25/10), hai đoàn kiểm tra của Bộ GTVT bắt đầu kiểm tra việc mở lại vận tải của các địa phương trên cả nước. Trong đó, đoàn kiểm tra số 2 do Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra việc mở lại vận tải tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Thái Bình.

Chia sẻ sau khi kiểm tra, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, TP.Hà Nội cần yêu cầu khách khi vào bến và lên xe phải khai báo y tế. Mỗi chuyến xe có danh sách hành khách, có số điện thoại và nơi đi nơi đến.

“Trước khi lên xe, hành khách khai báo y tế qua mã QR Code dán ở cửa xe. Danh sách này được gửi 3 bản ở hai đầu bến và bến xe để phục vụ tốt truy vết. Khi khách từ Hà Nội đi Sơn La quét mã QR Code dữ liệu y tế của khách được gửi về y tế của tỉnh. Đây là cách kiểm soát phù hợp với tình hình hiện nay”, ông Hùng nói.

Đánh giá cao công tác triển khai mở lại vận tải của Hà Nội, ông Hùng cho rằng, mô hình Sở GTVT phối hợp với các cơ quan chức năng để phòng chống dịch là phù hợp. Trong đó, Hà Nội có cách làm mới là yêu cầu nhà xe lưu trữ danh sách hành khách để phục vụ công tác truy vết.

Cùng đó, ông Hùng yêu cầu Công ty quản lý bến xe Hà Nội xây dựng nhóm trên Zalo, trong đó có sự tham gia của các địa phương, nhà xe để trao đổi thông tin, kịp thời giải quyết vướng mắc trong điều tiết, tổ chức vận tải và công tác phòng chống dịch. Trong đó, cần áp dụng công nghệ để quản lý phòng chống dịch đối với hành khách một cách hiệu quả.

“Tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ là mở nhưng lại kiểm soát chặt chẽ hơn theo quy mô điểm, lớn nhất là cấp xã. Các địa phương cần hiểu đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, hiểu đúng sẽ có biện pháp chính xác”, ông Hùng nói.
Cần căn cứ vào cấp độ dịch mở lại vận tải

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo quy định hiện nay, Sở GTVT hai đầu tuyến thống nhất để mở lại vận tải khách. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, có tỉnh muốn mở lại vận tải nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của tỉnh đối lưu, khiến cho nhiều tuyến vận tải liên tỉnh không hoạt động trở lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách làm này, các tỉnh, thành phố đã công bố cấp độ dịch. Những tỉnh, thành phố cấp 1, cấp 2 đã trở lại hoạt động bình thường nên không cần có sự thống nhất, các Sở GTVT có thể tự quyết định mở lại vận tải khách và thông báo cho Sở đầu tuyến.

Ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, hiện Hà Nội mới chỉ có 82 chuyến xe vận tải hành khách, tỷ lệ này còn thấp. Hà Nội cần nghiên cứu nới thêm tần suất hoạt động.

Lý giải về vấn đề này, ông Đào Việt Long cho biết, khi mở lại vận tải khách liên tỉnh, Sở GTVT Hà Nội đã trao đổi với Sở GTVT các tỉnh cấp độ 1 và cấp độ 2 đã trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn e ngại do còn phải kiểm soát dịch. Đơn cử như Phú Thọ, Lào Cai. Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại của người dân chưa cao, vẫn còn tâm lý e ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, các tỉnh đã công bố vùng xanh, vùng vàng theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Vì vậy, có thể xem xét để các Sở GTVT căn cứ vào cấp độ phòng chống dịch của địa phương đã công bố để mở lại vận tải mà không cần có sự thống nhất mở tuyến của sở đối lưu. Thay vào đó, chỉ cần gửi kế hoạch mở lại vận tải khách cho sở đầu tuyến.

“Bên cạnh đó, cũng cần truyền thông để người dân hiểu mình đang ở vùng nào, đi đến đâu và tuân thủ phòng chống dịch ra sao. Hiểu rõ việc này, người dân sẽ không còn e ngại”, ông Hùng nói.

  • Tại Hải Dương, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó giám đốc sở GTVT cho hay, tỉnh đã ban hành kế hoạch mở lại vận tải khách cho các lĩnh vực, đường bộ, đường sắt, tuy nhiên lượng khách đi lại rất ít. Đến ngày 14/10, có 8 tỉnh, thành phố đồng ý nối lại vận tải khách với Hải Dương, đã có 23 phương tiện hoạt động trở lại với số lượng khách chỉ có 28 hành khách.
  • Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với vận tải là lượng khách rất ít và nhiều doanh nghiệp vận tải không duy trì được lái xe, nhiều lái xe bỏ nghề làm việc khác. Nhà xe e ngại vì hoạt động nhưng không có khách.
  • “Trước mắt Sở GTVT Hải Dương đề xuất chỉ mở lại vận tải khách từ các tỉnh miền Trung trở ra với 100% tần suất, trong đó đề nghị các Sở xác nhận cấp độ chống dịch. Các tỉnh miền Nam nguy cơ lây lan lớn nên chưa có kế hoạch mở lại vận tải khách”, ông Hạnh cho biết.
  • Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Hải Dương cần mở lại thêm nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh khác phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Để làm được điều này, Hải Dương cần học hỏi cách làm của Hà Nội để kiểm soát dịch trong hoạt động vận tải.

Tin tức

Tin tức

Giám sát chặt thời gian lái xe kinh doanh vận tải, góp phần đảm bảo an toàn

Các chuyên gia cho rằng, để thực hiện có hiệu quả quy định giới hạn thời gian làm việc của tài xế xe kinh doanh vận tải, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ Đầu năm 2024, liên tiếp hai vụ tài xế xe khách chạy …

Lái xe lưu ý gì khi đi qua vòng xuyến?

Thời gian qua, tại một số nút giao có vòng xuyến trên các tỉnh Miền Trung thường xảy ra tai nạn giữa xe tải và xe máy. Kỹ năng dành cho người đi xe máy để đảm bảo an toàn như thế nào? Liên tục xảy ra tai nạn giữa ô tô tải và xe …

Dẹp nạn xe khách làm loạn trên đường, ngăn tai nạn

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ xe khách lạng lách, chèn ép nhau trên đường, xô xát giữa nhân viên của nhiều nhà xe. Nguyên nhân phần lớn là do tranh giành khách, tiềm ẩn rủi ro mất ATGT rất cao. Báo động xe khách vi phạm Ngày 4/11, mạng xã hội …

Cẩn trọng khi lưu thông vào điểm mù của xe container

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do người dân đi vào điểm mù xe container, xe tải. Để hạn chế tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó hiệu quả nhất là gắn camera tại các vị trí tài xế không thể quan sát. Những cái chết thương tâm …

Đốt rác dọc cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nguy cơ gây tai nạn thảm khốc

Việc đốt rác hai bên đường tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người, phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị được giao quản lý tuyến …