“Mắt thần” truy vết các vi phạm về giao thông, phòng ngừa tội phạm ở Thanh Hóa

Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có hơn 14.000 mắt camera giúp công tác quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về giao thông, an ninh trật tự đạt hiệu quả cao.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông là xu hướng được tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh trong thời gian qua và đã phát huy hiệu quả.

Ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm về Giao thông, phòng ngừa tội phạm - Ảnh 1.

Qua hệ thống camera, lực lượng chức năng sẽ xử lý nguội các trường hợp vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

“Mắt thần” truy vết các hành vi vi phạm

Thống kê cho thấy, Thanh Hoá đang quản lý trên 154 nghìn phương tiện và hơn 2,3 triệu xe mô tô, xe máy điện. Trong đó, có trên 50% số phương tiện tập trung ở khu vực thành phố Thanh Hóa.

Với mật độ phương tiện lớn nên trong thời gian qua, thành phố Thanh Hoá đã ứng dụng phần mềm kết nối với hệ thống camera giám sát ở các tuyến phố để quản lý giao thông. Việc lắp đặt hệ thống camera đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên của lực lượng CSGT trên đường nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự an toàn giao thông.

Đơn cử như trước đó, vào khoảng 21h ngày 29/4/2023, lực lượng Công an thành phố Thanh Hoá đã phát hiện 3 thanh niên điều khiển 3 xe máy không đội MBH nên đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, 3 thanh niên này đã không chấp hành hiệu lệnh của CSGT và tăng ga bỏ chạy.

Ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm về Giao thông, phòng ngừa tội phạm - Ảnh 2.

Hệ thống camera sẽ kết nối với trung tâm điều hành để phân tích các hành vi vi phạm về giao thông trên địa bàn thành phố Thanh Hoá.

Trước sự việc này, lực lượng Công an thành phố Thanh Hoá đã trích xuất dữ liệu từ camera giám sát trên các tuyến đường và xác định 3 thanh niên vi phạm Luật GTĐB gồm: Lê Ngọc Hòa (SN 2003, ở phường Ngọc Trạo); Trần Duy Anh và Nguyễn Văn Huy (đều sinh năm 2004, ở phường Đông Hương, TP Thanh Hoá).

Sau khi triệu tập 3 thanh niên trên, lực lượng Công an thành phố Thanh Hoá đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 18,2 triệu đồng về các lỗi: Không đội MBH, không có GPLX, giao phương tiện cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông. Riêng trường hợp của Nguyễn Văn Huy bị lập thêm biên bản vì hành vi đánh võng trên đường trong đô thị.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tấn, Đội phó Đội CSGT-TT Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: “Trước đây, người điều khiển phương tiện chỉ nhìn thấy lực lượng làm nhiệm vụ mới có ý thức chấp hành. Tuy nhiên, sau khi biết được hệ thống phạt nguội, đặc biệt việc phát hiện này không có trường hợp ngoại lệ nên đã ý thức hơn, chấp hành các qui định khi tham gia giao thông”.

Ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm về Giao thông, phòng ngừa tội phạm - Ảnh 3.

Hệ thống camera cũng được kết nối về Trung tâm chỉ huy công an tỉnh Thanh Hoá.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Đội CSGT-TT Công an thành phố Thanh Hóa đã gửi thông báo xử phạt vi phạm đến 750 trường hợp. Thời gian tới, ngoài duy trì xử phạt qua dữ liệu của camera giám sát, công an thành phố sẽ tăng cường tiếp nhận các thông tin hình ảnh vi phạm do người dân và cơ quan quản lý cung cấp làm cơ sở xử phạt “nguội”, qua đó từng bước răn đe, làm chuyển biến nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông.

Còn tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh không cần trực tiếp có mặt tại hiện trường, lực lượng CSGT vẫn có thể phát hiện và lập biên bản xử lý nhiều trường hợp vi phạm thông qua hệ thống camera. Hoặc trích xuất dữ liệu xử lý các hành vi vi phạm giao thông, phục vụ công tác điều tra.

Như tại huyện Đông Sơn, theo tài liệu của Công an, vào khoảng 17h50 phút, ngày 12/7/2023, tại Km 3+100 đường nối thành Phố Thanh Hóa đi sân bay Sao Vàng Thọ Xuân thuộc thôn Văn Trung, xã Đông Văn huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe ô tô tải trộn bê tông BKS: 36C 236.35 và xe mô tô BKS: 36B8 – 689.49.

Ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm về Giao thông, phòng ngừa tội phạm - Ảnh 4.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 14.000 mắt camera.

Sau khi va chạm xảy ra, thông qua hình ảnh hỗ trợ được trích xuất từ camera đã giúp lực lượng Công an huyện Đông Sơn điều tra, xử lý vụ việc 1 cách khách quan, chính xác.

Trung tá Nguyễn Văn Huy, Đội Phó Đội CSGT-TT, Công an huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chẳng hạn như 1 số vụ việc xảy ra vào thời điểm ban đêm, buổi trưa, lưu lượng người tham gia giao thông ít, 1 số vụ đối tượng bỏ chạy. Qua xác minh được thời gian, địa điểm, chúng tôi trích xuất thông qua hệ thống camera của đơn vị và truy tìm được đối tượng bỏ chạy và xử lý theo quy định của pháp luật”.

“Cánh tay” nối dài của lực lượng chức năng

Qua thống kê, đánh giá, tình hình trật tự xã hội, nhất là tại các địa điểm công cộng được lắp đặt hệ thống camera có nhiều chuyển biến tích cực, một số loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật được kiềm chế, giảm đáng kể so với những năm trước đây, như: cướp, cướp giật tài sản; gây rối công cộng; gây thương tích; trộm cắp tài sản trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, chợ, khu vực công cộng; lấn chiếm hành lang giao thông làm nơi bán hàng; thanh thiếu niên lạng lách, đánh võng trên các tuyến đường trọng điểm.

Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hệ thống camera phục vụ hiệu quả công tác xử lý vi phạm, tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc, phòng chống đua xe trái phép, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, quản lý đô thị, môi trường, quản lý các dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành khách…

Có thể thấy, sự thành công của mô hình camera đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật; phục vụ đắc lực công tác điều tra, truy bắt tội phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Mới đây, vào ngày 12/10, Công an tỉnh Thanh Hoá đã sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Camera với an ninh, trật tự” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 332 mô hình “Camera với an ninh, trật tự” với tổng số 14.053 mắt camera được lắp đặt, quản lý tại trụ sở công an các đơn vị; hằng năm bổ sung trên 500 mắt camera; đã được triển khai tại 26 huyện, thị xã, thành phố.

Thông qua mô hình “Camera với an ninh, trật tự”, từ năm 2021 đến nay, lực lượng công an các cấp đã tiến hành 12.293 lượt trích xuất hình ảnh, dữ liệu phục vụ công tác điều tra, khám phá các vụ án và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; xác minh, làm rõ 2.160 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trên 78,8%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,4% và án giết người đạt 100%…

Trung tướng Lê Quốc Hùng – Thứ trưởng Bộ Công an nhận định: Việc triển khai sâu rộng mô hình camera được lắp đặt, kết nối và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với lực lượng Công an, đã chứng tỏ sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa được huy động, phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức phát động người dân tích cực tham gia vào mô hình “Camera với ANTT” và các mô hình, phong trào bảo đảm ANTT khác ở cơ sở. Công an tỉnh Thanh Hoá tiếp tục nghiên cứu, tham mưu duy trì và phát triển mô hình “Camera với an ninh, trật tự” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Mô hình “Camera với an ninh, trật tự” ở Thanh Hoá đã huy động được kinh phí gần 100 tỷ đồng, trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo xây dựng, tạo điều kiện bảo đảm hoạt động với kinh phí là 72,1 tỷ đồng; sự đóng góp, ủng hộ của Nhân dân, cá nhân, tập thể các cơ quan, doanh nghiệp là 26,6 tỷ đồng.

Phúc Tuấn

Tin tức

Tin tức

Bài học sau vụ tai nạn giao thông giữa xe khách và xe container tại Tuyên Quang

Đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ vụ TNGT thảm khốc giữa xe khách và xe container tại Km 151, QL2 (Yên Sơn, Tuyên Quang), nhiều người vẫn không khỏi bàng hoàng về hậu quả của vụ tai nạn. Sự cố này cũng là một bài học kinh nghiệm về ý thức và kỹ …

Hải Dương: Ngăn tài xế nghiện lái xe, phòng ngừa tai nạn

Việc lái xe có chất ma túy trong người không những gây nguy hiểm cho tính mạng hành khách, mà còn gây mất ổn định trật tự xã hội, an toàn giao thông. Do đó, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Nhiều vụ tai nạn gây hậu quả lớn …

Giải pháp nào ngăn “quái xế” tuổi vị thành niên?

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng người chưa đủ tuổi lái xe “đi bão”, đua xe, ngoài xử lý nghiêm hành vi này thì việc giáo dục của chính các bậc cha mẹ các em là điều cưc kỳ quan trọng. Cùng với, các bậc phụ huynh phải hiểu biết pháp …

Lào Cai: Xây dựng văn hóa giao thông từ cơ sở, góp phần giảm thiểu TNGT nghiêm trọng

Việc hình thành văn hóa khi tham gia giao thông đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ và từng bước góp phần giảm thiểu những vụ TNGT nghiêm trọng. Hiệu quả tiết học cùng chiến sỹ CSGT …

Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” ở Hà Tĩnh góp phần đảm bảo ATGT trước cổng trường học

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng trường học, các cấp chính quyền, lực lượng công an ở Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình “Cổng trường ATGT”. Rút kinh nghiệm từ những vụ việc đau lòng Đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra …