Xử nghiêm từ nội bộ, hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông
Sau thành công của chiến dịch kiểm soát xe cơi nới thành thùng và chở quá tải, các ngành chức năng ở Hà Nam đang phân nhóm các hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý.
Cách làm này thể hiện quyết tâm từng bước thay đổi ý thức, tạo thói quen chấp hành mới cho người tham gia giao thông.
Xử nghiêm từ nội bộ
Vào cuối tháng 10/2023, qua kiểm tra đột xuất tại trụ sở Công an xã Thanh Hải, tổ điều lệnh Công an tỉnh Hà Nam phát hiện Trưởng công an xã này đang trong ca trực lại có nồng độ cồn trong hơi thở. Đây là một trong những hành vi vi phạm quy định của lực lượng công an nhân dân, đã được lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam quán triệt nhiều lần.
Trao đổi với PV, vị trưởng công an xã tỏ ra rất lấy làm tiếc về vi phạm của mình. Vị này cho biết: Trong quá trình đi tiếp xúc, làm việc đã sử dụng chất kích thích có cồn, là rượu, bị tổ điều lệnh PX03 (Phòng Công tác Đảng và công tác Chính trị) phát hiện. Hiện nay tôi đã làm bản tường trình, đang chờ lãnh đạo công an tỉnh xem xét.
Theo tìm hiểu của PV, trong thời gian này nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành các quy định về TTATGT, tỉnh ủy, UBND, Ban ATGT tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể. Riêng đối với lực lượng công an, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, gần như ngày nào tổ kiểm tra điều lệnh PX03 cũng đi đến các đơn vị để kiểm tra điều lệnh, đo nồng độ cồn đối với các cán bộ chiến sĩ với tinh thần kiểm tra “không có vùng cấm”.
Các tổ kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành mệnh lệnh, quy trình, quy chế công tác, Điều lệnh Công an nhân dân. Đồng thời tiến hành kiểm tra việc tuân thủ quy định không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia, chất có cồn và không uống rượu bia trong ngày làm việc, ngày trực đối với cán bộ chiến sỹ công an các đơn vị, địa phương.
Còn trên các tuyến đường, lực lượng CSGT các địa phương vẫn tiếp tục rải quân trên khắp các ngả đường để tuần tra kiểm soát vi phạm giao thông. Trong thời gian này, các lực lượng tập trung vào duy trì kết quả kiểm soát đã đạt được đối với kích thước thành thùng đối với xe tải; xử lý thanh thiếu niên, học sinh điều khiển phương tiện vi phạm giao thông và người điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn. Các tổ khi làm nhiệm vụ cũng thực hiện theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Kết quả của những nỗ lực ấy được thể hiện rõ rệt qua con số xử phạt. Lãnh đạo Đội CSGT-TT Công an TP Phủ Lý cho biết: Trong 10 tháng năm 2023, lực lượng CSGT-TT thành phố đã lập biên bản 1.358 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 3,6 tỷ. Trong đó, số tiền phạt vi phạm lỗi nồng độ cồn lên đến 2,6 tỷ đồng, chiếm 72%. Đối với học sinh đã phát hiện 125 trường hợp vi phạm và gửi thông báo kèm danh sách học sinh tới Sở GD&ĐT, Phòng giáo dục thành phố để có biện pháp phối hợp nhà trường, phụ huynh cùng tuyên truyền, răn đe học sinh vi phạm.
Còn theo thống kê từ Công an tỉnh Hà Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh này đã phát hiện, xử lý trên 14.600 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt tiền gần 42 tỷ đồng. Đây là con số cao kỷ lục đối với địa phương có mật độ dân số ở tầm trung như Hà Nam.
Hình thành thói quen tốt, văn hóa hơn khi tham gia giao thông
Do sự quyết liệt, xử lý đồng bộ ở khắp các địa phương, nên đại bộ phận người dân ở Hà Nam đang dần hình thành những thói quen tốt khi tham gia giao thông như: Không giao xe máy cho con khi chưa đủ 18 tuổi; Thường xuyên nhìn biển báo, thói quen giảm tốc độ khi qua khu dân cư; các chủ xe, lái xe tải không cơi nới, chở hàng vượt thành thùng. Đặc biệt, ý thức của người dân khi sử dụng rượu bia đã dần thay đổi, gần như đã hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu bia, không lái xe”.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam – đại tá Tô Anh Dũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các ngành chức năng liên quan đẩy mạnh và đa dạng hóa các nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh tại các xã, phường, thị trấn và các nút giao thông; đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư. Tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, công nhân, học sinh, sinh viên và Nhân dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.
Xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tiêu biểu như: Dự án “Đi tới trường an toàn – Về đến nhà an toàn” và mô hình “Tổ tự quản an toàn giao thông”; “Cổng trường an toàn giao thông”; “Một ngày làm Cảnh sát giao thông”; “Tổ cựu chiến binh tự quản bảo đảm an toàn giao thông”; “Đoạn đường tự quản an toàn giao thông”… Lãnh đạo Công an tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Quang Tuyển, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hà Nam cho biết: Hiện thực hóa Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND, Ban ATGT tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai theo các nội dung, kế hoạch mà cấp trên đã ban hành. Cùng đó quán triệt tới từng cán bộ công chức, viên chức, đảng viên phải gương mẫu chấp hành. Đồng thời, yêu cầu các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Khi có thông báo từ cơ quan chức năng, nhất là hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện thì người đứng đầu đơn vị phải có biện pháp xử lý kỷ luật đối với người vi phạm.
“Trong thời gian từ nay đến cuối năm, các cấp ngành cần tăng cường phối hợp tiếp tục rà soát xử lý dứt điểm điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đặc biệt ở lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Tiếp tục tuyên truyền và triển khai kế hoạch hành động đảm bảo ATGT cho học sinh tới trường. Đối với các lực lượng, địa phương đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, thuận lợi trong các ngày nghỉ lễ, Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”, ông Tuyển cho biết.